Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

THỰC TRẠNG NHIỄM KHUẨN VẾT MỔ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN 19-8, BỘ CÔNG AN

THỰC TRẠNG NHIỄM KHUẨN VẾT MỔ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN 19-8, BỘ CÔNG AN

Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Phi Long, Vũ Minh Hải Tuyền, Trần Trọng Dương

Bệnh viện 19-8, Bộ Công an

TÓM TẮT:

Tiến hành nghiên cứu 298 bệnh nhân được phẫu thuật tại Bệnh viện 19-8 từ tháng 5/2015-05/2016, chúng tôi thấy: Số bệnh nhân nam được phẫu thuật nhiều hơn nữ (Nam: 72,5%; nữ: 27,5%). Trước khi phẫu thuật, số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch, nội tiết chiếm tỷ lệ 22,5% ít hơn số bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính (77,5%). Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật chiếm tỷ lệ 10,4%, chưa phẫu thuật lần nào (89,6%); phẫu thuật nội soi chiếm tỷ lệ 33,9%, phẫu thuật mở (66,1%). Tổng số ca phẫu thuật có 3,7% bị nhiễm khuẩn vết mổ. Trong số các bệnh nhân bị NKVM thì tỷ lệ NKVM nông (dưới da) là cao nhất (90,1%), NKVM sâu là 9,1%; không có NKVM ở khoang và cơ quan. Bệnh nhân có bệnh mạn tính đi kèm có tỷ lệ NKVM cao gấp 4,1 lần bệnh nhân không mắc các bệnh mạn tính. Nhóm bệnh nhân được phân loại phẫu thuật sạch nhiễm có tỷ lệ NKVM cao hơn 8,2 lần so với nhóm bệnh nhân được phân loại phẫu thuật sạch. Mổ mở có tỷ lệ NKVM (5,6%), trong khi mổ nội soi có tỷ lệ NKVM là 0%. Tỷ lệ NKVM ở bệnh nhân có thời gian phẫu thuật <1h là 0%, nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật 1-2h là 3,9% và nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật >2h là 3,1%. Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện <3 ngày là 1,78%, của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện 3-7 ngày là 5,45% và của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện trước mổ >7 ngày là 0%.

Từ khóa: Nhiễm khuẩn vết mổ.

RESEARCH ON THE STATUS OF EXAMINATION AND SOME RELATED FACTORS IN 19-8 HOSPITAL, MINISTRY OF PUBLIC SECURITY

Hoang Van Dung, Nguyen Phi Long, Vu Minh Hai Tuyen, Tran Trong Duong

19-8 hospital, Ministry Public of Seccurity

ABSTRACT:

Researching 298 surgical patients at the 19-8 hospital from 05/2015-05/2016, we found: The number of male patients having surgery more than women (Male: 72.5%; female: 27.5%). Before the surgery, the number of patients with chronic respiratory, cardiovascular and endocrine diseases accounted for 22.5%, less than the number of patients without chronic diseases (77.5%). Patients with a history of surgery accounted for 10.4%, have not had any surgery (89.6%); Endoscopic surgery accounted for 33.9%, open surgery (66.1%). In total, 3.7% of surgeries are infected with wound infections. Among patients infected with wound infections, the rate of superficial (subcutaneous) infection was the highest (90.1%), deep respiratory tract infection was 9.1%; there was no wound infection in the cavity and organs. Patients with comorbid chronic diseases had the incidence of wound infections 4.1 times higher than patients without chronic diseases. The group of patients classified with clean surgery had a wound infection rate 8.2 times higher than the group of patients classified with clean surgery. Open surgery had wound infection rate (5.6%), while laparoscopic surgery had wound infection rate of 0%. The incidence of wound infection in patients with surgery time <1 hour is 0%, the group of patients with surgery time 1-2 hours is 3.9% and the group of patients with surgery time> 2 hours is 3 ,first%. The rate of wound infections of the group of patients with hospital stay time <3 days is 1.78%, of the group of patients with a hospital stay of 3-7 days is 5.45% and the group of patients with time time in hospital before surgery> 7 days is 0%.

Keywords: Incision infection.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân do kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ tử vong và tăng chi phí điều trị. Tại Mỹ, số ngày nằm viện gia tăng trung bình do NKVM là 7,4 ngày, chi phí phát sinh hằng năm khoảng 130 triệu USD và chiếm tỷ lệ 89% nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở những bệnh nhân NKVM sâu.

Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới, chính phủ, cơ quan bảo hiểm y tế và các tổ chức quản lý y tế đã từ chối chi trả chi phí liên quan đến các biến chứng trong quá trình chăm sóc, điều trị như NKVM. Để cải thiện chất lượng điều trị và an toàn cho người bệnh, một số nước đã ban hành các điều luật quy định hình thức xử phạt hành chính đối với các cơ sở y tế và nhân viên y tế gây nên nhiễm khuẩn cho bệnh nhân đồng thời đưa kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trở thành một ưu tiên hàng đầu trong các chương trình y tế quốc gia.

Một số biện pháp can thiệp đơn giản nhằm tỷ lệ NKVM đã được chứng minh như bệnh nhân được loại bỏ lông trước phẫu thuật bằng dao cạo được thay thế bằng máy cạo lông. Theo WHO vệ sinh tay là biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả và dễ thực hiện nhất và cũng là biện pháp đầu tiên trong các biện pháp phòng ngừa để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn những nước đã phát triển. Qua điều tra thực tế tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn vết mổ đứng hàng thứ 3 sau nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm khuẩn tiết niệu. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu nghiên cứu thực trạng nhiễm khuẩn vết mổ và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu:

* Đối tượng, địa điểm nghiên cứu: Trong nghiên cứu này chúng tôi chọn được 298 bệnh nhân được phẫu thuật tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an đáp ứng được tiêu chuẩn nghiên cứu:

- Tiêu chuẩn chọn mẫu: Các bệnh nhân được phẫu thuật bao gồm các loại phẫu thuật sạch, sạch-nhiễm; các phẫu thuật có chuẩn bị.

- Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Bệnh nhân xếp loại mổ nhiễm, mổ bẩn, mổ cấp cứu.

+ Bệnh nhân được phẫu thuật quá 30 ngày vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện.

+ Bênh nhân có phẫu thuật cấy ghép (có dùng thuốc ức chế miễn dịch và phải theo dõi vết mổ đến 1 năm sau phẫu thuật).

* Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 5/2015-05/2016.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

* Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

* Nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu bệnh án trước và sau mổ của các bệnh nhân mổ sạch và nhiễm tại các khoa Ngoại Bệnh viện 19-8; Thăm khám bệnh nhân, thông tin bệnh án…

* Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý bằng các phương pháp thống kê y học.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3.1: Đặc điểm chung của bệnh nhân nghiên cứu

Nhận xét: Số bệnh nhân nam được phẫu thuật nhiều hơn nữ (Nam: 72,5%; nữ: 27,5%). Trước khi phẫu thuật, số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch, nội tiết chiếm tỷ lệ 22,5% ít hơn số bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính (77,5%). Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật chiếm tỷ lệ 10,4%, chưa phẫu thuật lần nào (89,6%); phẫu thuật nội soi chiếm tỷ lệ 33,9%, phẫu thuật mở (66,1%).

Biểu đồ 3.1: Tỷ lệ chung nhiễm khuẩn vết mổ

Nhận xét: Tổng số ca phẫu thuật có 3,7% bị nhiễm khuẩn vết mổ.

Bảng 3.2: Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ theo loại phẫu thuật

Nhận xét: Mổ mở có tỷ lệ NKVM ở phẫu thuật sạch là 2,4% và sạch nhiễm là 22,6%.

Bảng 3.3: Tỷ lệ mức độ nhiễm khuẩn vết mổ

Nhận xét: Trong số các bẹnh nhân bị NKVM thì tỷ lệ NKVM nông (dưới da) là cao nhất (90,1%), NKVM sâu là 9,1%; không có NKVM ở khoang và cơ quan.

Bảng 3.4: Mối liên quan giữa bệnh mạn tính kèm theo với NKVM

Nhận xét: Bệnh nhân có bệnh mạn tính đi kèm có tỷ lệ NKVM cao gấp 4,1 lần bệnh nhân không mắc các bệnh mạn tính.

Bảng 3.5: Mối liên quan giữa phẫu thuật sạch và sạch nhiễm với NKVM

Nhận xét: Nhóm bệnh nhân được phân loại phẫu thuật sạch nhiễm có tỷ lệ NKVM cao hơn 8,2 lần so với nhóm bệnh nhân được phân loại phẫu thuật sạch.

Bảng 3.6: Mối liên quan giữa NKVM với phương pháp phẫu thuật

Nhận xét: Mổ mở có tỷ lệ NKVM (5,6%), trong khi mổ nội soi có tỷ lệ NKVM là 0%.

Bảng 3.7: Mối liên quan giữa NKVM với thời gian phẫu thuật

Nhận xét: Tỷ lệ NKVM ở bệnh nhân có thời gian phẫu thuật <1h là 0%, nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật 1-2h là 3,9% và nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật >2h là 3,1%.

Bảng 3.8: Mối liên quan giữa thời gian nằm viện trước mổ với NKVM

Nhận xét: Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện <3 ngày là 1,78%, của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện 3-7 ngày là 5,45% và của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện trước mổ >7 ngày là 0%.

4. BÀN LUẬN

4.1. Về đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu:

Nghiên cứu trên 298 bệnh nhân phẫu thuật tại các khoa Ngoại Bệnh viện 19-8 từ tháng 5/2015 đến tháng 5/2016 chúng tôi thu được kết quả sau: Về giới tính, số bệnh nhân nam được phẫu thuật nhiều hơn nữ (72,5% và 27,5%). Trước khi phẫu thuật, số bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch và nội tiết chiếm tỷ lệ 22,5% ít hơn số bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính có tỷ lệ là 77,5%. Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật chiếm tỷ lệ 10,4%, chữa phẫu thuật lần nào là 89,6%.

Về phương pháp phẫu thuật: Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi chiếm tỷ lệ 33,9%, phẫu thuật mở chiếm tỷ lệ 66,1%.

4.2. Về tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ:

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thị Tình, Trần Thị Vân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị năm 2011 trên 941 bệnh nhân cho thấy: Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ là 4,5%, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ trên phẫu thuật sạch và sạch nhiễm là 2,1% và thấp hơn kết quả nghiên cứu của Đỗ Kim Sơn (2002), Nguyễn Việt Hùng (2005), Lê Anh Thư (2011) tại các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ NKVM tại các bệnh viện này là 6,2%, 8,4% và 5,9% [9], [15], [16]. Các nghiên cứu của Tống Vĩnh Phú tại Bệnh viện đa khoa thành phố Nam Định (2007) trên 456 bệnh nhân có tỷ lệ NKVM là 10,1% và của Đặng Hồng Thanh tại Bệnh viện đa khoa thành phố Ninh Bình (2011) trên 506 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ NKVM là 5,1%, tỷ lệ NKVM trên các bệnh nhân phẫu thuật sạch và sạch nhiễm là 2,2 % [14], [19].

Đánh giá về phương pháp phẫu thuật liên quan đến NKVM: Các nhiễm khuẩn vết mổ nông thường có liên quan đến các vi khuẩn có nguồn gốc ngoại sinh, từ chính da bệnh nhân và nhân viên y tế chăm sóc, từ môi trường phòng mổ…Trong khi đó NKVM sâu hoặc khoang và cơ quan thường liên quan tới kỹ thuật mổ, thời gian phẫu thuật kéo dài, nhiễm khuẩn đã có sẵn ở cơ quan/khoang cơ thể. Kết quả này cho thấy cần làm tốt hơn nữa việc thực hiện các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn như chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật, đảm bảo tốt điều kiện vô khuẩn phòng mổ, công tác điều dưỡng, hộ lý chăm sóc sau mổ, các biện pháp đơn giản nhằm làm giảm tỷ lệ NKVM cũng đã được nghiên cứu và chứng minh. Tại Mỹ, người ta thấy rằng tỷ lệ NLVM ở những bệnh nhân được loại bỏ lông trước phẫu thuật bằng dao cạo là 6,4%; tỷ lệ NKVM giảm xuống 1,8% khi thay thế bằng máy cạo lông. Các biện pháp làm giảm lượng vi khuẩn định cư ở cơ thể bệnh nhân trước phẫu thuật (rút ngắn thời gian nằm viện trước phẫu thuật, tắm cho bệnh nhân trước phẫu thuật bằng xà phòng khử khuẩn, vệ sinh nơi rạch da bằng dung dịch khử khuẩn…) cũng đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ NKVM. Về thân nhiệt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với nhóm bệnh nhân được duy trì thân nhiệt ổn định trong thời gian phẫu thuật (3605), tỷ lệ mắc NKVM là 5,8%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với nhóm bệnh nhân có thân nhiệt thấp hơn, tỷ lệ NKVM là 18,8% [33].

4.3. Về các yếu tố liên quan đến nhiễm khuẩn vết mổ:

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy: Bệnh nhân có bệnh mạn tính đi kèm có tỷ lệ NKVM cao hơn gấp 4,1 lần so với nhóm bệnh nhân không có bệnh mạn tính (p<0,05). Các bệnh mạn tính mà chúng tôi thường gặp ở nhóm nghiên cứu là những bệnh mạn tính về hô hấp như viêm phế quản, bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh nội tiết như đái tháo đường tuýp II có kiểm soát bằng chế độ ăn và thuốc điều trị.

Nghiên cứu của chúng tôi chưa đề cập được tỷ lệ NKVM liên quan đến từng yếu tố nguy cơ cụ thể như tỷ lệ NKVM ở nhóm bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, nhóm bệnh nhân tăng huyết áp, nhóm bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu, các tác giả cũng đã chỉ ra rằng đó thực sự là những yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết đến tỷ lệ NKVM.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian phẫu thuật kéo dài cũng là một yếu tố nguy cơ liên quan đến NKVM [28], [30]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, không có bệnh nhân bị NKVM trong nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật dưới 1h. Nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật từ 1-2h có tỷ lệ NKVM là 3,9% và thời gian phẫu thuật trên 2h có tỷ lệ NKVM là 3,1%, tuy nhiên trong nghiên cứu này sự khác biệt về tỷ lệ NKVM giữa các nhóm có thời gian phẫu thuật khác nhau chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Thời gian nằm viện dài ngày trước phẫu thuật thường xảy ra đối với các bệnh nhân bị bệnh mãn tính cần theo dõi như tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp II…đối với các bệnh nhân này, bao giờ cũng phải điều trị ổn định và ổn định các chỉ số sinh hóa, huyết học, sinh học trước khi phẫu thuật, liệu pháp điều trị ở các bệnh nhân có nhiễm trùng là phải sử dụng kháng sinh. Theo Lê Anh Thư (2011) nghiên cứu tại khoa ngoại ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy: 100% các phẫu thuật có sử dụng kháng sinh ngay trước khi phẫu thuật tiếp tục sử dụng kháng sinh này từ 5-7 ngày sau phẫu thuật mặc dù không có NKVM và phẫu thuật thuộc loại phẫu thuật sạch và sạch nhiễm [16].

5. KẾT LUẬN

- Số bệnh nhân nam được phẫu thuật nhiều hơn nữ (Nam: 72,5%; nữ: 27,5%). Trước khi phẫu thuật, số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch, nội tiết chiếm tỷ lệ 22,5% ít hơn số bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính (77,5%). Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật chiếm tỷ lệ 10,4%, chưa phẫu thuật lần nào (89,6%); phẫu thuật nội soi chiếm tỷ lệ 33,9%, phẫu thuật mở (66,1%).

- Tổng số ca phẫu thuật có 3,7% bị nhiễm khuẩn vết mổ.

- Trong số các bẹnh nhân bị NKVM thì tỷ lệ NKVM nông (dưới da) là cao nhất (90,1%), NKVM sâu là 9,1%; không có NKVM ở khoang và cơ quan.

- Bệnh nhân có bệnh mạn tính đi kèm có tỷ lệ NKVM cao gấp 4,1 lần bệnh nhân không mắc các bệnh mạn tính.

- Nhóm bệnh nhân được phân loại phẫu thuật sạch nhiễm có tỷ lệ NKVM cao hơn 8,2 lần so với nhóm bệnh nhân được phân loại phẫu thuật sạch.

- Mổ mở có tỷ lệ NKVM (5,6%), trong khi mổ nội soi có tỷ lệ NKVM là 0%.

- Tỷ lệ NKVM ở bệnh nhân có thời gian phẫu thuật <1h là 0%, nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật 1-2h là 3,9% và nhóm bệnh nhân có thời gian phẫu thuật >2h là 3,1%.

- Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện <3 ngày là 1,78%, của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện 3-7 ngày là 5,45% và của nhóm bệnh nhân có thời gian nằm viện trước mổ >7 ngày là 0%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Việt Hùng và cộng sự (2005), “Tình hình nhiễm khuẩn vết mổ tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2001-2002”, Báo cáo tại Hội nghị chống nhiễm khuẩn toàn quốc lần thứ nhất, Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tống Vĩnh Phú (2007), “Đánh giá thực trạng và căn nguyên nhiễm khuẩn vết mổ tại Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định”, Kỷ yếu nghiên cứu khoa học điều dưỡng, tr: 270-276.

3. Đỗ Kim Sơn (2002), “Nhiễm khuẩn bệnh viện tại Bệnh viện Việt Đức qua hai cuộc điều tra”, Hội nghị khoa học Việt Pháp lần thứ nhất.

4. Lê Thị Anh Thư (2011), “Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật sạch và sạch nhiễm tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, Tạp chí Y học thực hành, Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Đặng Hồng Thanh (2011), “Xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình năm 2011”, Báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình.