Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT CẤP CỨU THÀNH CÔNG NGƯỜI BỆNH SHOCK MẤT MÁU DO VỠ GAN PHỨC TẠP

Ngày 18 tháng 3 năm 2022, Khoa ngoại tổng hợp (B3) Bệnh viện 19-8 Bộ Công an tiến hành phẫu thuật thành công cho người bệnh bị vỡ gan phức tạp do tai nạn giao thông.

Người bệnh Đinh Văn K, nam, 36 tuổi, mã BN: 0000023239. Quê quán: Hải Hậu, Nam Định, tiền sử khỏe mạnh.

Theo lời kể của người đi cùng, người bệnh bị tai nạn giao thông xe máy tự ngã, đập vùng mặt và ngực (phải) + hạ sườn (phải) xuống đất, không bất tỉnh, thấy đau hạ sườn (phải) nhiều kèm theo khó thở, được người đi đường đưa vào viện bằng taxi.

Khám lúc vào viện: người bệnh tỉnh, tiếp xúc chậm, khó thở nhanh nông, da – niêm mạc nhợt, đau bụng, buồn nôn, đầu chi lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp khó đo, bụng trướng vừa, ấn đau toàn ổ bụng, phổi (phải) thông khí giảm hơn phổi (trái). Siêu âm tại giường: ổ bụng có nhiều dịch tự do – dịch không trong, gan có đường vỡ thùy (phải). X-quang tại giường: Hình ảnh gãy cung bên xương sườn VIII, IX (phải), tràn máu – tràn khí màng phổi (phải).

Hình ảnh siêu âm tại giường của người bệnh

Ngay sau khi nhận được thông báo của khoa cấp cứu (A9), kip phẫu thuật của khoa Ngoại tổng hợp (B3) đã có mặt đầy đủ, vừa hồi sức vừa chuyển người bệnh lên phòng mổ để tiến hành mổ cấp cứu.Hình 1: Hình ảnh siêu âm tại giường của người bệnh

Bệnh nhân được tiến hành đồng thời 2 phẫu thuật: dẫn lưu màng phổi (phải) và mổ bụng giải quyết nguyên nhân.

Mở bụng kiểm tra, thấy ổ bụng nhiều máu tươi, hút ước lượng được khoảng 1,5 lít, gan (phải) có 01 đường vỡ kéo dài từ hạ phân thùy 8 đến hết chiều dài của gan, đang chảy máu; kèm theo có 01 đường vỡ khoảng 05 cm cạnh đường vỡ chính. Nhận định đây là trường hợp Shock mất máu do vỡ gan phức tạp, kip phẫu thuật đã tiến hành cặp tạm thời cuống gan, mở diện vỡ gan, kiểm soát các điểm chảy máu. Các thao tác diễn ra khẩn trương nhưng vô cùng chính xác.

Hình ảnh trong mổ

Sau mổ, người bệnh được chuyển về khu điều trị tích cực, được truyền máu, bù dịch, cầm máu, bất động tại giường, lắp monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn; Theo dõi 06h liên tục, dẫn lưu dưới gan khoảng 200 ml dịch hồng, người bệnh tỉnh táo, đỡ khó thở, đầu chi ấm. Hậu phẫu ngày thứ 03 các chỉ số xét nghiệm máu tốt lên, X-quang ngực phổi nở tốt, người bệnh được rút dẫn lưu màng phổi và điều trị tiếp theo phác đồ. Sau điều trị 10 ngày, sức khỏe người bệnh hoàn toàn ổn định, có thể tự đi lại và ăn uống bình thường.

Hiện tại người bệnh đã ra viện và hẹn tái khám theo lời dặn của bác sỹ.

Chấn thương gan thường gặp chủ yếu ở nam giới (84%), tuổi trung bình là 29,4 với nguyên nhân hàng đầu là tai nạn giao thông.

Việc chẩn đoán và điều trị chấn thương gan đòi hỏi nhanh chóng và chính xác, kết hợp nhiều chuyên khoa đặc biệt là các chuyên gia gan – mật – tụy.

Bệnh viện 19-8 với đội ngũ bác sỹ được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, được trang bị các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, sẵn sàng nhận và điều trị khỏi nhiều ca bệnh khó, liên quan đến chấn thương gan và chấn thương bụng kín nói chung.

_BS Thành – khoa ngoại tổng hợp_

Tài liệu tham khảo:

  1. Hussain M.I, Alam M.K (2009), “Operative management of liver trauma. A-10- year experience inRiyadh, Saudi Arabia”, Saudi Med J., July, 30(7): 942-6.