Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Bệnh viện 19-8 cứu sống bệnh nhân chấn thương vỡ lách không cần phẫu thuật

Ngày 07/5/2020, Khoa Ngoại Tổng hợp cùng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện 19-8 tiến hành hội chẩn cấp cứu bệnh nhân nam, 32 tuổi, chấn thương bụng kín, vỡ lách độ III do tai nạn giao thông.

Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 trong tình trạng lâm sàng tỉnh, da niêm mạc nhợt, đau nhiều vùng hạ sườn trái. Nhanh chóng nhận định đây là 1 chấn thương bụng kín, bác sĩ trực cấp cứu lập tức đưa bệnh nhân đi chụp chiếu thăm dò bằng những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, đồng thời hội chẩn bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tổng hợp. Kết quả Cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy hình ảnh vỡ lách độ III.

Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp và Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã cùng hội chẩn, đưa ra phương án thực hiện kỹ thuật can thiệp nút mạch cầm máu dưới hướng dẫn của chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA).


Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh

Ca can thiệp được thực hiện gần như ngay lập tức, bởi chấn thương vỡ lách nếu không được xử trí nhanh chóng, chính xác sẽ gây mất máu ồ ạt và bệnh nhân có thể tử vong do shock mất máu. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo khi thực hiện kỹ thuật. Bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh tiến hành gây tê tại chỗ, luồn 1 ống thông nhỏ qua động mạch đùi, đưa lên động mạch chậu, động mạch chủ bụng đến tận động mạch lách bị tổn thương. Sau khi xác định vị trí tổn thương của động mạch lách, bác sĩ tiến hành bơm chất dạng keo sinh học làm tắc chọn lọc mạch máu bị vỡ giúp cầm máu tại chỗ ngay lập tức. Ca can thiệp được thực hiện thành công nhanh chóng, chính xác đã đảm bảo thời gian vàng cứu sống được tính mạng của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lê Hồng Kỳ, người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân: “Can thiệp tối thiểu nút mạch tổn thương là một kỹ thuật khó, không những cần máy móc thiết bị hiện đại với hệ thống chụp mạch máu số hoá xoá nền DSA, mà còn cần kinh nghiệm và kiến thức vững vàng của bác sĩ điện quang can thiệp, đồng thời ekip phẫu thuật Ngoại tổng quát cũng phải luôn sẵn sàng để thực hiện phẫu thuật hở cầm máu khi can thiệp gặp khó khăn và theo dõi, đánh giá sau can thiệp. Bệnh viện 19-8 đã làm chủ được kỹ thuật này và thực hiện thường quy cho người bệnh, bảo tồn được lách và tránh nguy cơ, biến chứng sau mổ cấp cứu cắt lách cầm máu.”


Phát hiện chính xác vị trí mạch máu tổn thương trên hệ thống DSA

Sau can thiệp, bệnh nhân được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn cũng như các chỉ số cận lâm sàng hàng ngày tại Khoa Ngoại Tổng hợp. Toàn trạng bệnh nhân tốt lên nhanh chóng, không còn dấu hiệu mất máu, các triệu chứng bụng ngoại khoa không còn. Bệnh nhân được bình phục ra viện sau 4 ngày thực hiện cuộc can thiệp.

ThS Bs Nguyễn Mạnh Trường, phó trưởng khoa phụ trách khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: “Chấn thương vỡ lách là một chấn thương bụng nguy hiểm, có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, bệnh nhân luôn đối mặt với nguy cơ shock mất máu nhanh chóng. Tuỳ thuộc vào mức độ vỡ lách mà bác sĩ Ngoại khoa có thể quyết định những hướng xử trí khác nhau, ưu tiên đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Chẩn đoán vỡ lách và phương pháp điều trị tối ưu cần được đưa ra hết sức nhanh chóng. Can thiệp nút mạch dưới sự trợ giúp của hệ thống chụp mạch máu số hoá xoá nền DSA đã giúp nhiều bệnh nhân chấn thương bụng cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 không phải trải qua cuộc phẫu thuật mở với nhiều nguy cơ và biến chứng nặng nề. Sự phối hợp chuyên nghiệp, nhanh chóng giữa các bác sĩ điện quang can thiệp và các phẫu thuật viên Ngoại bụng Bệnh viện 19-8 đã giúp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị vỡ gan, vỡ lách được cứu sống và bình phục nhanh chóng, an toàn.”


Kỹ thuật can thiệp nút mạch lách bị tổn thương là một kỹ thuật đòi hỏi máy móc trang thiết bị hiện đại cũng như kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn vững vàng của bác sĩ

_BS Lò Đức Thành, Khoa Ngoại Tổng hợp_