Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Hôm nay là Tết Thiếu nhi (1/6), Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang tổ chức trao quà cho các bé ngay tại Bệnh viện. Hiện nay Bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị 11 bệnh nhân “nhí”.
Đa số các bé là con của những công nhân khu công nghiệp bị lây nhiễm dịch COVID-19 được chuyển đến điều trị cùng gia đình tại Bệnh viện Dã chiến này, trong đó có những cháu nhỏ vẫn đang chập chững, bố mẹ phải bế. Nào là bánh kẹo, sữa, nước ngọt, đồ chơi... do các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ nhiều nơi gửi về ủng hộ, giúp đỡ các bệnh nhân và y, bác sỹ nơi tâm dịch.
Các y, bác sĩ trực tiếp đến từng buồng trao quà 1/6 cho các bệnh nhân “nhí” đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, vui sướng đón nhận quà Tết Thiếu nhi ngay trong Bệnh viện Dã chiến, khiến Thượng úy Trương Thị Nghiệp Long (cán bộ Phòng đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện 19-8) không khỏi chạnh lòng, càng nhớ thương cô con gái nhỏ ở nhà, chắc hẳn lúc này cũng đang mong mẹ về lắm.
Đến hôm nay, là gần 1 tuần chị xa con kể từ sáng 27/5 khi tham gia Đoàn cán bộ y tế CAND lên đường vào tâm dịch Bắc Giang. “Đi công tác xa thế này nhớ nhất là con nhỏ. Vợ chồng em hiếm hoi, lấy nhau gần chục năm mới sinh được một bé. Cháu là con gái, tên là Nguyễn Hà Thanh, vừa tròn 2 tuổi và rất quấn mẹ. Chưa bao giờ em phải xa con nhiều ngày đến vậy, dù ở cơ quan, thi thoảng em cũng phải trực Bệnh viện, nhưng chưa bao giờ kéo dài quá 2 ngày”- Nghiệp Long chia sẻ.
Rất nhiều những phần quà được gửi tới Bệnh viện Dã chiến số 2 để nhờ các y, bác sĩ trao cho các bé đang được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2
Thượng úy Nghiệp Long cho biết, nhiều lúc nhớ con quay quắt, nhưng Long cố nén lòng. Trong ca trực bận rộn với công việc, hết ca trực mới tranh thủ gọi điện thoại về nhà hỏi thăm con.
Trước khi xung phong lên đường, Long được chồng là Đại úy Nguyễn Xuân Chủng, cán bộ Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện 19-8 ủng hộ, động viên; đồng thời đón ông bà nội ở quê lên trông nhà, chăm sóc con, để vợ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.
Mấy hôm đầu mẹ vắng nhà, tối nào bé Thanh cũng khóc vì nhớ mẹ. Có hôm nhìn thấy mẹ qua cuộc gọi video call, bé Thanh cứ khóc, nằng nặc đòi mẹ bế. Nghe tiếng con khóc, Long vừa nựng con qua điện thoại, vừa rơm rớm nước mắt. Thế là năm nay là Tết Thiếu nhi đầu tiên mà bé Thanh không có mẹ ở bên.
Một bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được hỗ trợ thở máy
Chị Lê Thị Xoan, điều dưỡng Khoa Phẫu thuật thần kinh ( Bệnh viện 19-8) là mẹ của 3 cậu con trai, 2 đứa đầu sinh đôi năm nay chuẩn bị lên lớp 6, còn bé út năm nay tròn 5 tuổi. Dù hàng ngày có bà nội giúp chăm sóc các con, nhưng mỗi khi tan ca trực, chị Xoan đều tranh thủ ít phút gọi điện thoại về nhà hỏi thăm tình hình, đôn đốc bọn trẻ chịu khó học tập, động viên các con ở nhà ngoan ngoãn nghe lời bố và bà nội.
Chị Xoan tâm sự, trước khi xung phong tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ “chiến đấu” với dịch ở Bắc Giang chị cũng lo lắng lắm, vì nhà chị đông con, mà các cháu đều đang tuổi nhỏ dại. “Cũng may, vợ chồng em sống cùng bà nội, nên nhờ cậy bà trông nom, chăm sóc các cháu giùm” – chị Xoan chia sẻ.
Các y, bác sĩ y tế CAND thể hiện quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19 bên trong Khu điều trị Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang
Chồng chị Xoan là cán bộ trinh sát của Công an quận Cầu Giấy, nên việc Thượng uý Đào Tuấn Anh chồng chị thường xuyên vắng nhà, đi làm nhiệm vụ đêm hôm là chuyện thường. Nhất là mấy tháng qua, Công an các địa bàn càng phải căng mình triển khai lực lượng đi truy vết các đối tượng nhập cảnh trái phép, và triển khai phối hợp cùng các tổ COVID-19 cộng đồn truy vết các trường hợp nghi nhiễm tại địa bàn, anh Tuấn Anh đi làm nhiệm vụ vắng nhà suốt, gần như cả tháng vừa rồi, chẳng mấy bữa chị được gặp mặt chồng.
Chị Xoan cho biết, mọi năm cứ đến Tết Thiếu nhi và Tết Trung thu, dù có bận rộn đến mấy, vợ chồng chị cũng không quên mua quà, gắng xếp sắp thời gian chở bọn trẻ đi chơi. Có những năm còn rủ thêm gia đình vài người bạn cùng nhau tổ chức đi picnic để bọn trẻ có dịp vui chơi, giao lưu với nhau. Nhưng từ năm ngoái đến nay, từ khi có dịch COVID-19, các cháu phải ở nhà, đa số thời gian trong ngày 2 anh lớn tập trung học trực tuyến, còn bé út thì quanh quẩn với bà nội. Chỉ thương bọn trẻ, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ hội được ra ngoài vui chơi, đón Tết Thiếu nhi cùng các bạn như những năm trước cũng không còn.
Tinh thần lạc quan cùng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của các y, bác sĩ CAND ở Bệnh viện Dã chiến số 2 đóng tại Nhà thi đấu thể thao Bắc Giang
Không chỉ riêng Nghiệp Long hay chị Lê Thị Xoan, trong đoàn cán bộ Y tế CAND tình nguyện chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang còn nhiều đồng chí nữ cũng đang nuôi con nhỏ. Bây giờ, điều mà chị Xoan, Nghiệp Long cũng như tất cả các đồng chí, đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang mong muốn và đang nỗ lực hết mình để biến mong muốn ấy nhanh chóng thành hiện thực, đó là cố gắng chữa trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc COVID-19, góp phần giúp nhân dân Bắc Giang nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Đại tá Nguyễn Thái Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8 Bộ Công an – trực tiếp phụ trách đoàn cán bộ tình nguyện của y tế CAND chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay Bệnh viện đã tiếp nhận các ca mắc COVD-19 sắp ở mức kịch trần 620 giường bệnh. Mấy hôm nay, trời nóng hầm hập, bất chấp có lúc nhiệt độ lên đến gần 40°C, các y, bác sĩ luôn phải bó mình trong những bộ đồ bảo hộ phòng dịch đặc dụng trong khi làm nhiệm vụ, khiến cơ thể càng thêm nóng bức.
Đã vậy, bên trong khu điều trị, không được phép bật điều hoà, bởi virus Sars- CoV-2 được khuyến cáo càng dễ lây lan trong môi trường điều hòa, cho nên dù nóng bức trong những bộ đồ bảo hộ phòng dịch đặc dụng, các y bác sĩ vẫn nỗ lực, gắng sức vượt qua. Có hôm, 2 đồng chí nữ điều dưỡng bị choáng, ngất vì nóng nực, mất nước, và kiệt sức do cường độ công việc cùng môi trường nhiệt độ nóng bức, khắc nghiệt.
Để giảm bớt nóng nực và thuận lợi khi làm việc, một số đồng chí đã hy sinh mái tóc của mình, tự cắt trọc tóc cho nhau ngay trong Bệnh viện để tiện chăm sóc bệnh nhân và bảo vệ bản thân được tốt hơn. Cũng may, đến nay, khu ăn ở, sinh hoạt cho Đoàn cán bộ y tế CAND cơ bản đã ổn định, đã được trang bị giường nằm và các vật dụng sinh hoạt, không phải trải chiếu trên nền đất để ngủ như hôm đầu tiên mới lên nhận nhiệm vụ.
Xác định dù có vất vả đến mấy, tất cả y, bác sĩ, cán bộ Y tế CAND cũng không nản lòng, mọi người đều động viên nhau khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giúp nhân dân Bắc Giang nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
_Công an nhân dân Online_