Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN U NẤM PHỔI

Ngày 15 tháng 11 năm 2021, khoa ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị U nấm phổi.

Bệnh nhân Trần Văn Q. Sinh năm 1976 – 45 tuổi, nam. Mã hồ sơ 2111150192. Tiền sử nghiện chất kích thích, lao phổi đang điều trị tháng thứ 4 theo chương trình chống lao quốc gia tại bệnh viện phổi trung ương. Cách vào viện 02 tuần, xuất hiện ho ra máu đỏ thẫm, số lượng tăng dần, điều trị theo phác đồ chống lao không đỡ. Không sốt, không nôn, không khó thở, chuyển bệnh viện 19-8 khám và điều trị.

Khám thực thể: bệnh nhân thể trạng trung bình (BMI = 22kg/m2), phổi phải thùy trên có hội chứng hang không điển hình (tiếng thổi hang, rung thanh tăng, gõ không đục). Hạch ngoại vi không sưng đau. Da và niêm mạc bình thường.

X-quang ngực thẳng có hình ảnh đám mờ không thuần nhất thùy trên phổi (phải). Các xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân có chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.

Phim chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh tổn thương dạng hang thùy trên phổi phải kích thước khoảng 20 x 25 mm thông với 1 nhánh phế quản, thành hang mỏng, trong hang có 1 khối mờ kích thước khoảng 10 x 10 mm

Phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực của bệnh nhân

Hội chẩn chuyên môn các chuyên khoa, kết luận: theo dõi U nấm phổi (phải), hướng điều trị: phẫu thuật cắt thùy trên phổi (phải).

Tiến hành phẫu thuật cắt thùy trên phổi (phải) có nội soi hỗ trợ (VAST), kiểm tra thấy thùy trên phổi (phải) có khối cứng, bề mặt dúm, kích thước khoảng 3 x 3 cm. Khống chế động – tĩnh mạch phế quản thùy trên thuận lợi, cắt thùy trên, bệnh phẩm mang đi giải phẫu bệnh lý trả lời đúng là U nấm phổi.

Theo Thạc sỹ - bác sỹ Lê Văn Thực – phẫu thuật viên 1, cho biết: “ Mặc dù sau lao, màng phổi và thùy trên phổi của bệnh nhân rất dính, việc đóng mỏm cắt phế quản đòi hỏi tỉ mỉ và thận trọng nhưng với quyết tâm cao, ekip phẫu thuật vẫn hoàn thành tốt mục tiêu của cuộc mổ”.

Theo dõi hậu phẫu bệnh nhân diễn biến ổn định. Hút liên tục khoang màng phổi bằng máy hút áp lực âm -20 cmH2O trong 07 ngày đến khi không còn khí và máu tồn dư trong khoang màng phổi, phổi dãn nở tốt, bệnh nhân hoàn toàn không sốt, có thể đi lại nhẹ nhàng và ăn uống được, chỉ đau ít tại vết mổ. Bệnh nhân ra viện sau 10 ngày điều trị.

U nấm phổi (aspergilloma) là một quả bóng nấm hoặc mycetoma bao gồm sợi nấm Aspergillus cùng với các mảnh vụn tế bào và chất nhầy.

Bệnh xảy ra ở các thể trạng suy kiệt, suy giảm miễn dịch như HIV, AIDs, sau hóa trị, lạm dụng corticoid… hoặc các bệnh lý ở phổi như lao phổi, giãn phế quản mạn tính, xơ phổi…

Ho ra máu là biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất ở những bệnh nhân có triệu chứng. Nguồn chảy máu thường là mạch phế quản và có thể là thứ phát do: Xâm lấn trực tiếp vào mao mạch của niêm mạc phế quản; Hiếm khi khoang phát triển nhanh chóng có thể ăn mòn vào bề mặt màng phổi và các động mạch liên sườn, gây ra chứng ho ra máu ồ ạt, thường gây tử vong và rất khó kiểm soát. Triệu chứng này nếu có, thường gọi là ho ra máu sét đánh.

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh với các dấu hiệu như: Mới đầu phát triển một lớp nấm mỏng bám vào thành hang, dần dần lớp nấm tách khỏi thành hang và dính lại với nhau ở đáy hang phổi và phát triển thành u nấm. Nếu cho bệnh nhân thay đổi tư thế sẽ thấy khối u nấm bên trong hang di chuyển theo. U nấm có thể nhiều và ở cả hai bên phổi, một hang có thể có nhiều u nấm nhưng đa số thường gặp ở thùy trên. Khi u nấm lấp đầy hang thì dễ nhầm với u phổi. Hình ảnh u nấm trong hang di sót còn gọi là dấu hiệu “liềm khí”.

Việc chẩn đoán và phẫu thuật cắt thùy phổi đòi hỏi trang thiết bị y khoa hiện đại như CT.Scanner, MRI, đo chức năng hô hấp... phòng mổ với các dụng cụ nội soi đúng quy chuẩn cùng đội ngũ bác sĩ phẫu thuật lồng ngực trình độ cao, bác sỹ gây mê nhiều kinh nghiệm có thể kiểm soát tốt các tai biến trong và sau mổ.

Khoa ngoại tổng hợp bệnh viện 19-8 với đội ngũ bác sỹ được đào tạo bài bản và chuyên sâu về phẫu thuật lồng ngực & mạch máu, sẵn sàng nhận và điều trị nhiều ca bệnh khó thuộc chuyên ngành tim mạch – lồng ngực hướng tới sự tin yêu của cán bộ - chiến sỹ công an và nhân dân cả nước !

_BS. Thành – Khoa ngoại tổng hợp_

Tài liệu tham khảo:

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546668/
  • Oh Y.W., Effmann E.L., Godwin J.D. (2000). Pulmonary infections in immunocompromised hosts: the importance of correlating the conventional radiologic appearance with the clinical setting. Radiology;217 (3): 647-56.