Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN SHOCK MẤT MÁU DO VẾT THƯƠNG PHỨC TẠP VÙNG CỔ

Ngày 15 tháng 4 năm 2022, khoa Ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân bị shock mất máu do vết thương phức tạp làm đứt động mạch và tĩnh mạch cảnh trong.

Bệnh nhân Tô Anh T. Nam. Sinh năm 1998. Quê quán Đông Anh – Hà Nội. Mã bệnh nhân 0000033304. Vào viện vì chảy máu từ vết thương vùng cổ (trái).

Theo người đi cùng kể, trước vào viện 03h, tai nạn giao thông, xe máy – ô tô ngược chiều, bị mảnh vỡ từ kính ô tô cứa vào vùng cổ bên (trái) gây chảy nhiều máu, phải dùng áo sơ –mi để ép chặt vào mới ngừng chảy, được đưa vào viện bằng ô tô trong tình trạng: tỉnh, mệt nhiều, da – niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp 90/60 mmHg, tại chỗ vết thương còn chảy thành dòng, mảnh vải băng ép ướt đẫm máu tươi.

Hội chẩn cấp cứu tại khoa cấp cứu (A9) giữa lãnh đạo bệnh viện và các bác sỹ khoa A9, B3, thống nhất đưa bệnh nhân lên thẳng phòng mổ (B4) tiến hành mổ cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân.

Mở vết thương, phẫu tích vào máng cảnh thấy: đứt cơ ức đòn chũm (trái), động mạch cảnh chung rách bán phần chu vi, tĩnh mạch cảnh trong đứt rời gần hoàn toàn. Tiến hành các lọc phần mạch đụng dập, khâu vết thương bên của động mạch cảnh chung, khâu nối 2 đầu tĩnh mạch cảnh trong. Phẫu thuật an toàn, thuận lợi.

Hình ảnh trong mổ

Theo dõi hậu phẫu 10 ngày, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn đinh, không sốt, chỉ đau ít tại vết mổ, có thể ăn uống và đi lại nhẹ nhàng trong phòng vào ngày thứ 3. Hiện tại bệnh nhân đã cắt chỉ, ra viện và hẹn tái khám theo hướng dẫn của bác sỹ.

Thạc sỹ - bác sỹ Lê Văn Thực – phẫu thuật viên cho hay: phẫu thuật mạch máu là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi bác sỹ phải được đào tạo chuyên sâu, hơn nữa lại tiến hành trong điều kiện cấp cứu, thời gian chuẩn bị bệnh nhân không có, để cứu sống được bệnh nhân này cần phối hợp đồng bộ cả e-kip: cấp cứu ban đầu, phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê và hồi sức sau mổ; trang thiết bị hiện đại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị.

Cũng theo BS. Thực, vết thương động – tĩnh mạch cảnh rất hay gặp do tai nạn giao thông hoặc do đâm, chém... là tổn thương chí mạng có thể gây chết người trong thời gian tính bằng phút do mất nhiều máu. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sơ cứu những trường hợp như vậy. Nếu biết cách sơ cứu, chúng ta hoàn toàn có thể cứu người bị nạn.

Động mạch cảnh cung cấp máu cho não và gần tim nên có áp lực rất lớn, khi bị đứt có thể chảy thành dòng, gây mất máu cấp tính, dẫn đến mất ý thức, trụy tim mạch và tử vong trong thời gian 1-2 phút nếu không được xử trí.

Ngay tại hiện trường, người bên cạnh phải cực kì bình tĩnh và khẩn trương dùng tay ép chặt vào vết thương để cẩm máu ngay lập tức, có thể dùng vải sạch như áo, khăn mặt... để ép vào đến khi máu ngừng chảy. Nếu xa bệnh viện, phải băng ép cẩn thận trước khi chuyển bệnh nhân. Riêng hai mạch cảnh ở cổ thì việc băng gạc phải rất cẩn thận vì có thể làm bệnh nhân ngạt thở trước khi sốc mất máu. Khi đó, người dân nên đặt 1 que ở phía đối diện vết thương và băng chặt, mục đích tạo khe hở để bệnh nhân không ngạt thở. Nếu không tìm thấy que nhỏ để làm đối trọng, có thể đưa tay của nạn nhân qua đầu để làm đối trọng rồi băng chặt lại, như vậy có thể giúp nạn nhân thở được dù bị băng ép vào. Sau đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu lại đúng cách, không nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế quá xa, gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

Bệnh viện 19-8 Bộ Công an với hơn 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện trang bị những thiết bị vật tư hiện đại, đào tạo cơ bản và chuyên môn sâu, luôn sẵn sàng nhận và điều trị những bệnh nhân cấp cứu nói chung, vết thương mạch máu nói riêng, được cán bộ chiến sỹ và nhân dân tin yêu.

_BS. Thành - Khoa Ngoại tổng hợp_

Tài liệu tham khảo: https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/cam-mau-nguyen-tac-vang-khi-so-cuu-vet-cat-mach-canh-3356