Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngày 15 tháng 6 năm 2021, khoa ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 tiến hành phẫu thuật nối thông động – tĩnh mạch quay (trái) cho người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối có chỉ định điều trị thay thế thận.
Người bệnh Nguyễn Thanh T. Sinh năm 1995. Bảo hiểm đúng tuyến. Tiền sử tăng huyết áp vô căn. Phát hiện suy thận cách đây 03 tháng, người bệnh không điều trị gì. 02 ngày trước vào viện xuất hiện người mệt mỏi, không đi tiểu được, vào viện.
Xét nghiệm lúc vào: Sinh hóa máu: Ure: 36,6 mmol/l ;creatinine: 1279,7 μmol/l; GOT/GPT: 10/10 U/l; Na+/K+ 132,5.6,1 mEq/l; Albumin: 36,7 g/l; Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: hồng cầu 2,90 T/l; huyết sắc tố 8,4 g/dl; bạch cầu 8,76 G/l; tiểu cầu 188 G/l; đông máu cơ bản: PT 17,7 (s), INR 1,51; APTT 53,8 (s), tỉ lệ APTT bệnh/chứng 1,74; Tổng phân tích nước tiểu: hồng cầu (+) trung bình, bạch cầu (+) vết, protein (+) 300 mg/dl.
Người bệnh được hội chẩn giữa các chuyên khoa ngoại tổng hợp (B3) & Nội thận khớp (A8) được tiến hành phẫu thuật ngay sau khi có chỉ định lọc máu ngoài cơ thể. Ca phẫu thuật được tiến hành trong hơn 01h đồng hồ ngày 15/6/2021 bởi các bác sỹ khoa ngoại tổng hợp (B3).
Hình ảnh trong mổ
Theo dõi sau mổ 06 ngày, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, động mạch quay bắt rõ, vết mổ khô, tay (trái) vận động bình thường, đầu chi hồng ấm, không sốt, không rối loạn cảm giác bàn tay
Hiện tại bệnh nhân đã ra viện, chạy thận nhân tạo hàng tuần trên cầu tay đã được phẫu thuật.
Nối thông động – tĩnh mạch (AVF) là phẫu thuật hay được sử dụng nhất trong trường hợp người bệnh suy thận giai đoạn cuối có chỉ định chạy thận nhân tạo. Thường phẫu thuật nối tĩnh mạch quay với động mạch quay được chọn nhiều nhất, đây là kỹ thuật tạo đường thông giữa động mạch và tĩnh mạch với lưu lượng máu lớn hơn, cung cấp đường vào mạch máu cho chạy thận nhân tạo. Đường vào mạch máu động - tĩnh mạch này còn được gọi là cầu tay hay cầu nối AVF. Đường vào mạch máu đủ lớn là điều kiện tiên quyết cho chạy thận nhân tạo. AVF đòi hỏi trang thiết bị chuyên biệt, phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản về vi phẫu mạch máu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa.
Có nhiều ưu điểm đối với phương pháp này: cầu nối AVF được tạo ra từ cơ thể của người bệnh, không có thành phần nhân tạo nào được sử dụng nên sử dụng được trong nhiều năm, ít có nguy cơ bị hẹp và tắc… Còn nhược điểm là cầu tay cần thời gian khá lâu để phát triển đến kích thước cần thiết trước khi có thể sử dụng được cho chạy thận.
Khoảng 1 tuần sau khi phẫu thuật, vết mổ lành và người bệnh có thể cắt chỉ. Sau đó khoảng từ 2 đến 4 tháng, cầu tay mới có thể dùng để chạy thận được. Chính vì vậy, người bệnh nên làm phẫu thuật AVF trước khi bắt đầu lọc máu từ 2 đến 4 tháng.
Khoa ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 Bô công an hiện tại đã tiến hành thường quy kỹ thuật này cũng như các kỹ thuật khác thuộc chuyên nghành phẫu thuật lồng ngực – mạch máu.
_BS. Thành - Khoa Ngoại tổng hợp_
Tài liệu tham khảo:
Ingemar J.A. Davidson, 2008. Access for Dialysis : Surgical and Radiologic Procedures, 2nd edition (ISBN: 1-57059-627-1).
Oxford University Press, 2008. Oxford Textbook of Clinical Nephrology, p.1909-1926 (Third Edition 2008) (ISBN-10: 0198508247 ISBN-13: 978-0198508243).