Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT NỘI SOI THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN BỊ THỦNG TẠNG RỖNG

Ngày 07 tháng 11 năm 2021, khoa Ngoại tổng hợp (B3) Bệnh viện 19-8 tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị thủng tạng rỗng.

BN Bùi Thị R. Sinh năm 1958 – 63 tuổi. Địa chỉ Đông Hưng – Thái Bình. Tiền sử viêm dạ dày. Vào viện vì đau bụng. Cách vào viện 02h, xuất hiện đau bụng thượng vị đột ngột, dữ dội, cảm giác như bị “dao đâm”, không sốt, không nôn, được người nhà đưa vào bệnh viện 19-8 cấp cứu.

Khám lúc vào: BN tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Còn đau bụng. Khám bụng cứng như gỗ, ấn đau toàn ổ bụng.

Xét nghiệm lúc vào: X-quang bụng không có hình ảnh liềm hơi và mức nước – mức hơi. Siêu âm ổ bụng có ít dịch tự do. Tuy nhiên do vẫn còn nghi ngờ, BN được chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, kết quả: có khí tự do ổ bụng, khẳng định chắc chắn chẩn đoán Thủng tạng rỗng.

Hình 1: phim cắt lớp vi tính của bệnh nhân

BN được bổ xung các xét nghiệm cần thiết và tiến hành mổ cấp cứu. Dự kiến phẫu thuật nội soi giải quyết nguyên nhân.

Vào bụng quan sát thấy ổ bụng nhiều dịch đục và giả mạc cùng thức ăn cũ. Mặt trước hành tá tràng có lỗ thủng kích thước 0.5 cm, bờ mềm mại. Các cơ quan khác bình thường.

Hình 2: Lỗ thủng mặt trước hành tá tràng quan sát trên màn hình nội soi

Tiến hành khâu lỗ thủng qua nội soi, lau rửa sạch ổ bụng, đặt 01 dẫn lưu Douglas.

Theo dõi hậu phẫu 05 ngày, bệnh nhân ổn định, không sốt, không nôn, trung – đại tiện được vào ngày thứ 03.

Hiện tại bệnh nhân ra viện và hẹn nội soi dạ dày kiểm tra sau 01 tháng.

Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng là một trong những biến chứng của ổ loét dạ dày – tá tràng chiếm tỉ lệ 15 – 22%. Theo thống kê, nam gặp nhiều hơn nữ, tuổi thường từ 35 dến 65 và nhiều nhất từ 30 đến 40 tuổi. Các điều kiện thuận lợi như thường gặp về mùa rét và nhất là khi thời tiết thay đổi thủng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thủng càng gần bữa ăn thì ổ bụng càng bẩn và càng nhanh chóng dẫn đến viêm phúc mạc. Chấn thương tinh thần cũng là 1 trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến thủng ổ loét dạ dày – tá tràng, khi căng thẳng kéo dài, sau các phẫu thuật lớn, bỏng, sau dùng thuốc chống viêm non-steroid kéo dài...

Các triệu chứng của bệnh như đau bụng đột ngột, dữ dội. Có thể có nôn, buồn nôn; nôn ra dịch nâu đen nếu hẹp môn vị, hiếm khi có nôn máu nhưng có thì là 1 trường hợp nặng, tiên lượng xấu. Nếu bệnh nhân đến sớm, tình trạng toàn thân chưa thay đổi, mạch và huyết áp ổn định, tuy nhiên khoảng 80% bệnh nhân có thể sốc vì đau (mặt mày nhợt nhạt, toát mồ hôi, mũi và đầu chi lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt).

Diễn biến của bệnh nếu không điều trị có thể gặp là viêm phúc mạc toàn thể, viêm phúc mạc khu trú, áp xe ổ bụng như áp xe dưới cơ hoành...

Cần phân biệt một số thể lâm sàng khác nhau như: thể thủng bít, thủng ổ loét mặt sau, thể bán cấp tính, tối cấp tính, thể giống như đau ngực, thể giống như viêm ruột thừa, thủng kèm theo chảy máu... Phân biệt với một số bệnh như viêm phúc mạc ruột thừa, viêm phúc mạc mật, viêm tụy cấp, thủng dạ dày – ruột do các nguyên nhân khác (thủng ruột non do thương hàn, thủng do ung thư dạ dày...), tắc ruột, áp xe gan vỡ...

Chẩn đoán thủng ổ loét dạ dày – tá tràng thường dễ vì các triệu chứng thường rất rõ. Những bệnh nhân được xử lý trong vòng 6 giờ đầu thì kết quả rất tốt, tỉ lệ tử vong thấp. Nếu quá 48h khi đã có viêm phúc mạc nặng thì tỷ lệ tử vong rất cao do nhiễm độc nặng, suy thận cấp...

Phẫu thuật điều trị tùy thuộc vào tính chất tổn thương. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như đường mổ nhỏ, kiểm soát toàn diện, hồi phục nhanh tuy nhiên đòi hỏi trình độ của phẫu thuật viên và trang thiết bị hiện đại.

Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện 19-8 hiện đã làm chủ các kỹ thuật cao trong đó có phẫu thuật nội soi điều trị thủng ổ loét dạ dày – tá tràng, đạt được nhiều kết quả tốt, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân !

_BS. Thành – Khoa Ngoại tổng hợp_