Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT CẮT ĐẠI TRÀNG (PHẢI) CHO BỆNH NHÂN K ĐẠI TRÀNG

Ngày 09 tháng 09 năm 2021, khoa Ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 vừa tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân K đại tràng (phải).

Bệnh nhân Tạ Thị Bích T. Sinh năm 1972. Mã hồ sơ 2109070151. Vào viện vì đi ngoài ra máu. Bệnh biểu hiện 02 ngày trước vào viện, xuất hiện đi ngoài ra máu đỏ lẫn phân, không đau bụng, không gầy sút cân. Ngày 07/9/2021, bệnh nhân được soi đại tràng, phát hiện khối U sùi chiếm gần toàn bộ chu vi lòng đại tràng, sinh thiết 01 mảnh bệnh phẩm – kết quả: Ung thư biểu mô tuyến.

Bệnh nhân được phẫu thuật ngày 09/9/2021, sau gần 03h đồng hồ làm việc với tinh thần khẩn trương, tỉ mỉ, ca phẫu thuật đã hoàn thành. Theo Tiến sỹ - Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn – phẫu thuật viên chính – cho biết: “ Bệnh nhân được chẩn đoán nhanh và chính xác mặc dù mới phát hiện bệnh. Khối U chiếm gần hết lòng đại tràng ở vị trí cuối đại tràng lên, thăm khám các tạng khác như dạ dày – ruột non – các phần khác của đại tràng không thấy tổn thương. Ca phẫu thuật tiến hành an toàn – thuận lợi !”

Bệnh phẩm của BN

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, lưu thông tiêu hóa tốt các chỉ số sinh tồn cũng như xét nghiệm trong giới hạn cho phép. Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Ung bướu (B6) để tiếp tục điều trị theo phác đồ.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu Globocan 2020 ung thư đại trực tràng hiện nay đứng hàng thứ 3 ở nữ giới, thứ 4 ở nam giới trong số các loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, còn ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng chiếm tới 8,9% và đứng hàng thứ 5 trong các loại Ung thư phổ biến

Các triệu chứng của Ung thư đại trực tràng không đặc hiệu có thể kể đến như: đau bụng âm ỉ quanh rốn, đau quặn – mót rặn, phân nhày máu, phân dẹt như lá lúa, đi ngoài phân táo – lỏng thất thường, sút cân nhanh ( 3-5kg/tháng)…

Ung thư đại trực tràng nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng: tắc ruột, nhiễm trùng, chảy máu, rò, di căn…

Điều trị Ung thư đại trực tràng chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật. Tùy theo giai đoạn, mức độ xâm lấn, mức độ di căn của ung thư và tình trạng của bệnh nhân… mà cho phép điều trị triệt để hay điều trị tạm thời

Các yếu tố lối sống có thể góp phần làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng bao gồm: Thiếu hoạt động thể chất thường xuyên, chế độ ăn ít trái cây và rau quả, ít chất xơ và nhiều chất béo hoặc chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn, thừa cân và béo phì, uống rượu, hút thuốc lá.

Nhìn chung cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng là tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ từ năm 45 tuổi, nhất là khi tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, hút thuốc lá...

Nội soi đại trực tràng: là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Qua nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý như trĩ, polyp, viêm loét đại trực tràng… từ đó sẽ có xử trí phù hợp như cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư.

Bệnh viện 19-8 Bộ Công an với hơn 60 năm xây dựng, phát triển có đầy đủ trang thiết bị và xét nghiệm hiện đại có thể chẩn đoán sớm các loại ung thư thường gặp, trong đó có ung thư đại trực tràng.

_BS. Thành – Khoa Ngoại tổng hợp_