Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngày 09/04/2021, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện 19-8 tiến hành phẫu thuật cắt khối tá - tuỵ cho 1 bệnh nhân bị u bóng Vater, đây là phẫu thuật khó thuộc chuyên ngành Ngoại tiêu hoá.
Bệnh nhân Tạ Kim H. 63 tuổi. Tiền sử Đái tháo đường type 2, viêm dạ dày, uống rượu nhiều năm. Vào viện vì đau bụng. Bệnh biểu hiện 01 tháng trước vào viện, đau bụng quanh rốn quặn cơn ngắn, không lan xuyên, kèm theo, vàng da - vàng mắt nhẹ; không nôn, không sốt. Bệnh nhân nhập viện ngày 07/04/2021, được khám bệnh và làm các xét nghiệm như nội soi dạ dày, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, sinh hoá máu (GOT, GPT, Billirubin...) chẩn đoán U bóng Vater, được hội chẩn với chuyên khoa nội tiêu hoá, có chỉ định phẫu thuật cắt khối tá - tụy
Bệnh nhân được phẫu thuật ngày 09/04/2021, ca phẫu thuật tiến hành liên tục trong hơn 4h đồng hồ, mặc dù rất mệt mỏi nhưng các bác sỹ không giấu khỏi niềm vui vì ca phẫu thuật đã tiến hành thuận lợi!
Đến ngày thứ 12 sau phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không sốt, không nôn, lưu thông tiêu hoá tốt, vết mổ khô, dẫn lưu đã rút; kết quả giải phẫu bệnh: ung thư biểu mô tuyến kém biệt hoá của bóng Vater xâm lấn tới lớp dưới niêm mạc của tá tràng; bệnh nhân ổn định, được xuất viện và hẹn tái khám chuyên khoa ung bướu!
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, P. Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - phẫu thuật viên chính cho biết: Ung thư bóng Vater (Ampulla of Vater) là mặt bệnh hiếm gặp (0,2% ung thư đường tiêu hoá) nhưng tỉ lệ ác tính cao. Bóng Vater nằm ở đoạn D2 của tá tràng. Bình thường dịch mật và dịch tụy đổ vào tá tràng qua bóng Vater. Khi bóng Vater bị bít tắc do tổ chức ung thư, dịch mật và dịch tụy không đổ vào ruột non được, ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa thức ăn, làm cho BN khó tiêu, chán ăn, tắc mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, BN sẽ diễn biến xấu.
Cũng theo TS. BS Tuấn: “Với trường hợp trên, chúng tôi đã áp dụng phương pháp phẫu thuật: Cắt khối tá tụy (phẫu thuật Whipple ). Đây là phẫu thuật được xếp vào loại đại phẫu vì can thiệp vào vùng có cấu trúc giải phẫu phức tạp,nhiều mạch máu lớn, quan trọng của cơ thể. Phẫu thuật cắt khối tá tụy có nhiều miệng nối, nguy cơ xì rò rất cao. Nhờ áp dụng đầy đủ các tiến bộ y khoa của thế giới như chọn phương pháp phẫu thuật, chọn chỉ phẫu thuật, chọn thuốc điều trị sau mổ phù hợp… mà ca phẫu thuật này không có tai biến trong mổ và biến chứng sau mổ, sự phục hồi chức năng dạ dày - ruột của bệnh nhân đều tốt”.
Bệnh nhân được phối hợp điều trị theo chuyên khoa với Trung tâm ung bướu sau phẫu thuật để kéo dài thời gian ổn định bệnh, giảm tỷ lệ tái phát và di căn!
_BS Thành - khoa Ngoại tổng hợp_