Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Bệnh nhân nam 32 tuổi mắc viêm gan B, tan máu bẩm sinh nhập viện trong tình trạng bị sốt xuất huyết mức độ nặng gây suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, suy gan cấp.
Vừa qua, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam Nguyễn Văn T. (32 tuổi) cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lơ mơ.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue kèm suy thận, viêm gan. Bệnh nhân được điều trị 3 ngày tại Khoa Truyền nhiễm không đỡ, vẫn sốt cao, tình trạng khó thở tăng dần, tiểu cầu giảm còn 25, thiếu máu nặng, biểu hiện suy thận cấp tăng nặng dần nên được chuyển đến Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc.
BS. Chu Đức Thành (Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc) điều trị trực tiếp cho bệnh nhân T. cho biết: "Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. diễn biến xấu nhanh. Khi đến khoa Điều trị tích cực và chống độc, bệnh nhân chỉ nói được vài câu ngắn nhưng sau 30 phút, suy hô hấp nặng nên các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cho thở máy. Đồng thời, tiến hành lọc máu liên tục cấp cứu vì suy đa cơ quan cấp, viêm phổi nặng".
BS. Chu Đức Thành thông tin về ca bệnh sốt xuất huyết nguy kịch, suy đa tạng.
Đặc biệt, bệnh nhân bị bệnh thiếu máu do tan máu nên truyền máu không đáp ứng, kết quả chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy lách to độ 4.
Qua 12 tiếng lọc máu, các bác sĩ cũng tiến hành truyền tiểu cầu và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, chẩn đoán hình ảnh… Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết mức độ nặng biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy thận cấp, suy gan cấp trên nền viêm gan B, mắc bệnh tan máu bẩm sinh…
Sau 4 ngày điều trị tại ICU, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, thở oxy. Các kỹ thuật cao như lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập đã dừng. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân hồi phục đáng kể, nhất là tình trạng suy hô hấp, tuần hoàn, suy gan, tình trạng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu cũng được cải thiện hơn.
BS Chu Đức Thành nhận định, đây là một ca bệnh có sự hồi phục kỳ diệu. Vì chỉ trước đó 1-2 ngày bệnh nhân luôn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
Qua khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho biết 2 năm trước bệnh nhân T. phát hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi nhưng chưa có điều kiện đi khám nên chủ quan bỏ quan. Vừa qua, bệnh nhân ở nhà sốt cao 3 ngày không giảm nên được đưa đến viện cấp cứu.
Bệnh nhân T mắc sốt xuất huyết diễn biến nguy kịch điều trị tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an).
Sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao. Điều này rất nguy hiểm cho người nhiễm, đặc biệt là những người có bệnh nền bởi diễn biến bệnh khó lường. Thậm chí dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng, tử vong… Do vậy khi có biểu hiện của sốt xuất huyết, người dân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Với những người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền cần tới thăm khám tại cơ sở y tế để được chỉ định điều trị.
Theo BS Chu Đức Thành, bệnh nhân sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong 3 ngày đầu. Ngày thứ 3 đến thứ 5 có thể giảm sốt nhưng đây cũng là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Bởi có thể xảy ra diễn biến giảm tiểu cầu nặng gây các triệu chứng xuất huyết hoặc hội chứng thoát huyết tương. Nếu không kịp thời điều trị hồi sức sẽ dẫn đến hội chứng sốc Dengue gây tổn thương suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng.
Các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng có thể gặp như:
- Đau bụng dữ dội.
- Nôn liên tục.
- Chảy máu lợi và chân răng.
- Nôn ra máu.
- Thở nhanh.
- Mệt mỏi bồn chồn.
Khi có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
_Sức khỏe và đời sống_