Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Nước ép bưởi và những lưu ý khi sử dụng đồng thời với một số thuốc điều trị

Bưởi và một số loại trái cây họ cam quýt khác đại diện cho các loại thực phẩm thường được coi là có lợi cho sức khỏe, nhưng có khả năng xảy ra tương tác dược động học gây ra khả dụng sinh học thuốc uống tăng cường đáng kể. Xu hướng hiện nay ngày càng gia tăng các loại thuốc bị ảnh hưởng bởi bưởi, có các tác dụng phụ đáng kể trên lâm sàng nên đòi hỏi sự hiểu biết về tương tác này. Việc áp dụng kiến ​​thức này là cần thiết để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả trong thực hành nói chung.

Ai có nguy cơ bị tương tác bưởi - thuốc cao hơn?

Mặc dù tính dễ bị tổn thương của bệnh nhân phần lớn không được biết đến, nhưng những người trên 45 tuổi là những người mua bưởi nhiều nhất và nhận được nhiều đơn thuốc nhất. Ngoài ra, một tương tác dược động học rõ rệt đã được chứng minh là xảy ra ở những bệnh nhân trên 70 tuổi. Hơn nữa, người lớn tuổi có thể bị giảm khả năng chuyển hóa có thể dẫn tới nồng độ thuốc toàn thân cao hơn ngưỡng an toàn. Những người lớn tuổi dường như là một nhóm dân số đặc biệt dễ bị tổn thương đối với các tương tác giữa bưởi và thuốc.

Nguy cơ tương tác dự đoán đối với các thuốc tương tác với bưởi có thể hỗ trợ bác sĩ kê đơn thuốc cho những bệnh nhân dễ bị tổn thương và xác định xem có nên chống chỉ định bưởi hoặc các loại trái cây họ cam quýt khác trong quá trình điều trị bằng thuốc hay không , hoặc liệu một liệu pháp thay thế có thể được sử dụng hay không.

Cách nước ép bưởi ảnh hưởng đến thuốc

Sau khi được nuốt xuống, thuốc được chuyển hóa bởi các enzym và/ hoặc được hấp thụ nhờ các chất mang trong các tế bào ở ruột non. Nước ép bưởi có thể gây ra các vấn đề với các enzym và chất vận chuyển này, dẫn đến việc có quá nhiều hoặc quá ít thuốc trong cơ thể.

Nhiều loại thuốc được chuyển hóa bởi enzym quan trọng là CYP3A4 trong ruột non. Nước ép bưởi có khả năng ức chế hoạt động của CYP3A4 trong ruột, vì vậy thay vì được chuyển hóa, nhiều thuốc sẽ đi vào máu và lưu lại trong cơ thể lâu hơn. Lượng enzym CYP3A4 trong ruột là khác nhau ở mỗi người, một số người có rất nhiều enzym này nhưng lại rất ít ở những người khác. Vì vậy, nước ép bưởi có thể ảnh hưởng đến mỗi người là khác nhau ngay cả khi họ dùng cùng một loại thuốc

Một số loại thuốc, như một số loại statin được sử dụng để giảm cholesterol, bị phân hủy bởi các enzym. Như đã trình bày ở trên, nước ép bưởi có thể cản trở hoạt động của các enzym này, làm tăng lượng thuốc trong cơ thể và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn

Các loại thuốc khác, như fexofenadine, được các chất mang vận chuyển vào tế bào của cơ thể. Trong trường hợp này, nước ép bưởi có thể cản trở hoạt động của các chất vận chuyển, làm giảm lượng thuốc trong cơ thể và có thể khiến thuốc mất tác dụng.

Tìm hiểu xem liệu bạn có cần tránh bưởi hay các loại nước trái cây khác

  • Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn liệu nước bưởi có tương tác với thuốc của bạn hay không.
  • Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tờ thông tin bệnh nhân đi kèm với thuốc theo toa của bạn để tìm hiểu xem nước ép bưởi có ảnh hưởng đến thuốc của bạn hay không.
  • Đọc nhãn Thông tin về thuốc trên các thuốc OTC của bạn, nhãn này sẽ cho biết liệu bạn có nên uống kèm bưởi hoặc các loại nước trái cây khác hay không.
  • Nếu bạn phải tránh uống nước bưởi với thuốc của mình, hãy kiểm tra nhãn của nước ép trái cây hoặc đồ uống có hương vị nước trái cây để xem chúng có được làm bằng nước bưởi hay không.

Một số tương tác có thể gặp phải giữa nước ép bưởi và thuốc

  • Một số loại thuốc statin để giảm cholesterol, như Zocor (simvastatin) và Lipitor (atorvastatin).
  • Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao, như ProcardiaAdalat CC (đều là nifedipine).
  • Một số loại thuốc chống thải ghép, như viên nang NeoralSandimmune hoặc dung dịch uống (đều là cyclosporin).
  • Một số loại thuốc chống lo âu, chẳng hạn như BuSpar (buspirone).
  • Một số corticosteroid điều trị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, chẳng hạn như Entocort EC và viên nén Uceris (đều là budesonide).
  • Một số loại thuốc điều trị loạn nhịp, như Pacerone và viên nén Cordarone (đều là amiodarone).
  • Một số thuốc kháng histamine, chẳng hạn như Allegra (fexofenadine).

Nguồn: https://www.nhipcauduoclamsang.com/nuoc-ep-buoi-chum-va-mot-so-thuoc-khong-tron-lan/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3589309/

_Ths. Ds Lê Thu Giang - Khoa Dược_