Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Bệnh nhân ung thư đại tràng ngày càng trẻ hóa

Theo cảnh báo của chuyên gia y tế, hơn 95% bệnh nhân ung thư đại tràng từ polyp chuyển hóa. Đáng lưu ý, người càng trẻ thì khối u có mức độ ác tính càng cao.

Trả giá vì chủ quan

Cách đây ít lâu, các bác sĩ Bệnh viện 19-8 đã tiếp nhận một nam bệnh nhân tên T.A (21 tuổi, Thái Bình) đến viện khám trong tình trạng đau tức bụng, mệt, gầy sút cân và khó đi đại tiện.

Kết quả nội soi cho thấy dày đặc polyp ở dạ dày và kín thành đại tràng. Chia sẻ về ca bệnh này, BS Nguyễn Việt Anh, Khoa Nội tiêu hóa cho biết: "Quá nhiều polyp to đã gây tình trạng bán tắc ruột. Bác sĩ phải chia thành nhiều lần cắt và ưu tiên cắt polyp có kích thước lớn hơn 2cm. Đây là những polyp có nguy cơ ung thư hóa rất cao. Khả năng sau này có thể tiến triển thành ung thư đại tràng vì cắt không xuể và khả năng tái mọc của polyp".

Nội soi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa.

Cũng tại đây, anh T.V.T (46 tuổi, Sơn La) được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán nhiều polyp đại tràng kích thước lớn hơn 5cm, phải can thiệp cắt. Trước đó, anh T trải qua 6 tháng âm ỉ đau bụng, nhưng chủ quan. Chỉ khi xuất hiện buồn nôn, chướng bụng, gầy tọp 3kg mới tìm đến bệnh viện.

Tại Bệnh viện 19/8, các bác sĩ đã mổ nội soi cắt khối polyp lớn 5x8cm, to gần kín hết lòng manh tràng. Kết quả sinh thiết xác định polyp loạn sản và được xác định đã chuyển hóa thành tế bào ung thư.

BS Nguyễn Việt Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện 19-8 cho biết, khoảng 95% các trường hợp ung thư đại tràng bắt đầu từ polyp. Vì thế việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời polyp bằng nội soi cắt hớt niêm mạc, hay cắt tách dưới niêm mạc, tránh được cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân, ngăn chặn nguy cơ polyp tiến triển ung thư hóa.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, BV TƯ Quân đội 108 chia sẻ, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, chủ quan với chính sức khỏe của mình, đến bệnh viện muộn.

BS Tuấn dẫn chứng một bệnh nhân nam 28 tuổi ở Hà Nội cách đây 3 năm đi khám sức khỏe định kỳ nội soi phát hiện 2 polyp đại trực tràng nhỏ được kết luận lành tính và chỉ định theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, việc tái khám theo dõi chỉ được thực hiện ở năm đầu tiên. Gần đây, chàng trai này có xuất hiện đại tiện ra máu, tới khám phát hiện polyp đã lớn, ung thư hóa và đã di căn nhiều nơi.

"Mọi người chủ quan vì polyp đại tràng là một loại tổn thương lành tính do tăng sinh tế bào trên niêm mạc của đại tràng. Bên cạnh đó, polyp đại tràng thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, một số polyp có thể trở thành ung thư đại tràng nếu không được phát hiện và loại bỏ kịp thời. Hầu hết bệnh nhân tìm đến bệnh viện khi đã có các dấu hiệu như đại tiện ra máu, đầy hơi, chướng bụng…", BS Tuấn cho biết.

Tầm soát ung thư đại tràng cách nào?

BS Nguyễn Việt Dũng cho hay, các khuyến cáo trước đây về polyp đại trực tràng thường lưu ý với người trên 50 tuổi. Nhưng hiện nay, số lượng tổn thương ung hóa phát hiện nhiều hơn ở người trẻ.

Theo BS Dũng, những người ở độ tuổi trên 40, cả nam và nữ, đặc biệt là những người trong gia đình có người thân mắc ung thư đại trực tràng, 5 năm nên nội soi đại tràng một lần.

Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về ung thư hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng; Những người thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ như thói quen ăn đồ muối chua mặn, hút thuốc lá thường xuyên, làm việc trong môi trường ô nhiễm... nên được tầm soát ung thư sớm.

Nếu phát hiện tổn thương dưới 20mm và đánh giá không ác tính xâm nhập, các bác sĩ sẽ xử lý cắt polyp trong lúc nội soi. Với tổn thương lớn hơn, thầy thuốc sẽ cân nhắc có cắt bỏ ngay lúc đó, hay phải đánh giá thêm bằng cách nhuộm màu, sinh thiết polyp xem có xâm lấn xuống lớp dưới niêm mạc hay không, từ đó sẽ đưa ra quyết định xử lý tổn thương.

"Nội soi hiện là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa. Do vậy, có thể phòng ngừa ung thư sớm thực quản, dạ dày, đại trực tràng bằng việc nội soi tầm soát định kỳ tại các trung tâm nội soi chất lượng cao", BS Dũng khuyến cáo.

BS Nguyễn Anh Tuấn thì nhấn mạnh, sự biến đổi ác tính có thể xảy ra nên việc phát hiện và loại bỏ polyp đại tràng kịp thời thông qua các xét nghiệm sàng lọc và kiểm tra định kỳ, ngăn ngừa sự phát triển của ung thư đại tràng rất quan trọng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc, nhưng đứng thứ 2 về tỷ lệ tử vong trên thế giới. Polyp đại trực tràng được xếp vào nhóm tổn thương tiền ung thư.

Tỷ lệ biến đổi ác tính của polyp đại tràng khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại polyp, kích thước, số lượng, tính ác tính của các tế bào trong polyp và các yếu tố nguy cơ khác. Theo ước tính, khoảng 5-10% polyp đại tràng được phát hiện là ác tính hoặc có khả năng trở thành ung thư.

Ngoài loại polyp, các yếu tố nguy cơ cao khác có thể tăng khả năng biến đổi ác tính của polyp đại tràng, bao gồm: Nhiều polyp, polyp lớn hơn 1cm, tế bào ác tính xuất hiện trong polyp, người thân mắc polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng...

_Báo Giao thông_