Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Bác sĩ Trần Duy Hưng: Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội

Bác sĩ Trần Duy Hưng được nhớ đến không chỉ vì ông là người đầu tiên giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, người đảm nhận cương vị này lâu nhất trong lịch sử chính quyền thành phố sau Cách mạng Tháng Tám mà còn bởi tài năng và đức độ của một người lãnh đạo gần dân, yêu dân đúng nghĩa là công bộc của dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy.

* Người trí thức yêu nước, thương dân

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), Hà Nội, trong một gia đình trung lưu, nền nếp. Tiếp thu nền giáo dục gia phong, nề nếp của gia đình từ nhỏ nên chàng thanh niên Trần Duy Hưng có lòng yêu nước từ rất sớm.

Vốn là người thông minh, học giỏi, ông chọn học nghề y nối nghiệp gia đình. Tại trường Đại học Y, ông học cùng lứa với những bác sĩ tên tuổi nổi tiếng sau này, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ...

Thời sinh viên, chàng thanh niên Trần Duy Hưng tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội. Ông tham gia phong trào hướng đạo sinh Bắc Kỳ dưới sự dìu dắt của nhà yêu nước Hoàng Ðạo Thúy. Với cây đàn violon, ông cùng các đồng chí của mình đến các chợ quê hát các bài ca yêu nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do Mặt trận Việt Minh phát động.

Tốt nghiệp Đại học Y với thành tích xuất sắc, năm 30 tuổi, ông cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người. Không chỉ nổi tiếng về chuyên môn, bác sĩ Trần Duy Hưng còn được đồng nghiệp và người dân Hà Nội thời đó yêu quý bởi tấm lòng đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang và chữa bệnh miễn phí người nghèo. Cũng chính tại cơ sở chữa bệnh của mình, bác sĩ Trần Duy Hưng đã cứu chữa và chở che cho nhiều cán bộ Việt Minh, như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… thoát khỏi vòng vây của mật thám. Lòng yêu nước của bác sĩ Trần Duy Hưng ngày càng sâu sắc, rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện trở thành cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám.

Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà ngay trước lễ Quốc khánh ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đến nhà của bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (sau này là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội), khi mới 33 tuổi. Tầm nhìn sáng suốt đó của Bác Hồ đã được minh chứng theo thời gian, và để lại cho lịch sử của thành phố Hà Nội một vị Chủ tịch mẫu mực, hết lòng vì dân, vì nước.

Còn với người dân Hà Nội, họ luôn tự hào, ngưỡng mộ và dành cho ông những nhận xét đầy trân trọng. Đó là “Vị Chủ tịch thành phố lâu nhất, giỏi nhất và được dân yêu nhất”.

* Chủ tịch thành phố lâu nhất, giỏi nhất, được dân yêu nhất

Đảm đương chức vụ giữa bối cảnh Hà Nội mới giành lại chính quyền, còn bộn bề nhiều công việc khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với các đồng sự, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã bắt tay ngay vào giải quyết những công việc cấp bách do Chính phủ lâm thời đề ra lúc đó, như giải quyết nạn đói, diệt giặc dốt và chống thù trong giặc ngoài. Ở nhiệm vụ nào, ông cũng luôn là người gần gũi nhân dân, sát sao công việc, giải quyết mọi việc một cách có tình, có lý, được nhân dân tin yêu và ủng hộ. Chỉ trong hơn một năm, Ủy ban Hành chính Thủ đô do ông phụ trách đã giải quyết được hàng loạt vấn đề cấp bách, như: đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng chính quyền các cấp từ thành phố xuống huyện, xã và khu phố, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, cuộc sống của người dân thành phố được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng cao.

Chủ tịch Trần Duy Hưng còn là một trong những người tổ chức “Tuần lễ vàng”, kêu gọi nhân dân thủ đô ủng hộ chính quyền non trẻ kiến thiết nước nhà… Có thể nói, thành công lớn nhất của bác sĩ Trần Duy Hưng khi làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội thời kỳ 1945-1946 là tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi làm Thứ trưởng Bộ Y tế một thời gian ngắn vào đầu năm 1954.

Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngay sau đó, ông được tín nhiệm bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô Hà Nội và đảm nhiệm cương vị này cho đến năm 1977. Ông đã sắp xếp bộ máy quản lý, xây dựng Thủ đô trở thành hậu phương vững mạnh, góp sức cùng cả nước tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể nói, ông là Chủ tịch thành phố Hà Nội lâu nhất, với 25 năm giữ cương vị này.

Ông cũng là người lãnh đạo giỏi, biết sử dụng nhân tài. Ông đã vận động và khuyến khích các ông, như Nguyễn Tử Trinh, Trịnh Văn Bô… tham gia chính quyền, sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ của họ vào công cuộc phát triển thành phố.

Là người đứng đầu Hà Nội, Chủ tịch Trần Duy Hưng có nhiều chính sách mạnh mẽ, đi đầu trong mọi phong trào, đưa Hà Nội trở thành ngọn cờ đầu của nhiều phong trào, như “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”... Về nông nghiệp, thành phố đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. Các hoạt động công-thương nghiệp, chăn nuôi và ngay cả trồng rau xanh của thành phố luôn đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Ông cũng là người dám đột phá với những chủ trương không dễ dàng vào thời điểm đó. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho cán bộ, công chức. Được sự nhất trí của Thành ủy, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã triển khai việc bán căn hộ theo cách trả dần cho cán bộ, một mặt để thành phố có thêm ngân sách, còn các gia đình cán bộ có điều kiện tự quản lý, sửa sang nhà cửa đẹp hơn. Đặc biệt, khi Hà Nội khan hiếm một số mặt hàng thiết yếu do đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông đã cho phép tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng gia dụng thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân.

Ông còn là vị Chủ tịch có tầm nhìn của tương lai. Trong suốt thời gian làm Chủ tịch của mình, ông đã đưa ra những quy hoạch tổng thể để Hà Nội đẹp lên từng ngày. Ông cũng là người để lại dấu ấn đậm nét trong hàng loạt những công trình tầm cỡ về kinh tế, văn hóa và xã hội của thủ đô, như: Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá, đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô... Chủ tịch Trần Duy Hưng còn là người gợi mở ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, đưa khu vực xung quanh sông Hồng rộng lớn, mang đầy trầm tích văn hóa lịch sử, trở thành một trong những khu trung tâm về kinh tế-văn hóa của Thủ đô.

Với tầm nhìn, trí tuệ, tài năng và nhân cách của mình, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI.

* Người lãnh đạo bình dị, là đại diện của trí thức, của văn hóa, gần dân và vì dân

Có thể nói, trong suốt thời gian đảm đương chức vụ Chủ tịch thành phố Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thủ đô. Nét đặc biệt của Chủ tịch Trần Duy Hưng trong rất nhiều năm là ông không dùng lái xe, mà tự đạp xe đi làm; tự mình viết các bài diễn văn, báo cáo quan trọng; tự tin nói chuyện với các nhà ngoại giao nước ngoài mà không cần đến phiên dịch, vì ông vốn thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông dành nhiều thời gian để tiếp dân, nghe dân nói, dân phát biểu. Đồng thời, trong quyền hạn của mình, ông thường đưa ra những quyết định rất nhanh, kịp thời để giải quyết những khúc mắc, kiến nghị theo từng trường hợp cụ thể của nhân dân.

Không chỉ có phong cách sống giản dị, Chủ tịch Trần Duy Hưng còn là một lãnh đạo luôn gần gũi, sát sao với cuộc sống của nhân dân. Ông luôn có mặt ở những địa bàn nóng bỏng để chia sẻ, động viên nhân dân kịp thời. Làm Trưởng ban Xóa nạn mù chữ, ông xuống tận các ngõ xóm lao động để thăm hỏi, động viên nhân dân tham gia các lớp bình dân học vụ buổi tối. Kết thúc ba năm thi đua diệt giặc dốt, Hà Nội được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai về thành tích thanh toán xong nạn mù chữ, trong đó có công lao to lớn của vị Chủ tịch tận tụy và mẫn cán.

Trong ký ức của những người dân Hà Nội xưa về chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, hình ảnh vị Chủ tịch thành phố cùng quân và dân tham gia cứu hộ, dập lửa, đã trở nên quen thuộc. Ông luôn có mặt động viên kịp thời người dân trên các khu phố bị bom Mỹ tàn phá, như các phố Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai. Và có lẽ chính sự mẫu mực, quả cảm của những người lãnh đạo như Chủ tịch Trần Duy Hưng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để làm nên những kỳ tích của một "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy đi vào lịch sử.

Tận hiến với việc công, hết mình cho Thủ đô, gương mẫu để người dân tin, yêu và làm theo; giản dị, gần dân để lắng nghe được những tiếng nói từ các nẻo khuất nhất của cuộc sống, để đưa ra các quyết định sáng suốt nhất, là những phẩm chất tạo nên hình ảnh thân thuộc của vị chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Ngày 2/10/1988, Chủ tịch thành phố Hà Nội đầu tiên, lâu nhất, giỏi nhất và được dân tin yêu nhất - bác sĩ Trần Duy Hưng - đã mãi mãi ra đi. Ngày tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, lẫn trong đoàn quan khách trong và ngoài nước, còn có đông đảo người dân thành phố đến đưa tiễn ông - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn.

Ghi nhận công lao của Chủ tịch Trần Duy Hưng, năm 2005, Đảng và Nhà nước truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Tháng 1/1999, một con phố đẹp của Thủ đô Hà Nội vinh dự được mang tên ông - phố Trần Duy Hưng.

Nói về ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

_Thông tấn xã Việt Nam_