Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Bệnh viện 19-8 đi đầu nghiên cứu ứng dụng chẩn đoán hình ảnh trong nội soi khớp

Sau một thời gian dài nghiên cứu, Khoa chấn thương chỉnh hình (B1) Bệnh viện 19-8 Bộ Công an đã phát triển và ứng dụng thành công kỹ thuật dựng hình xác định kích thước gân cơ thon và gân cơ bán gân bằng Chụp Cắt Lớp Vi Tính (CLVT) trước mổ cho phép bác sĩ lập kế hoạch chi tiết trước phẫu thuật nhằm tối ưu hóa kết quả cho bệnh nhân.

Tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối là một trong những chấn thương hay gặp nhất của khớp gối. Hiện nay, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước là phổ biến, và mảnh ghép để tái tạo dây chằng thường được dùng nhất là gân cơ thon và gân cơ bán gân tự thân. Tuy nhiên, kích thước 2 gân này thay đổi theo từng cá thể người bệnh và rất khó dự đoán, chỉ đánh giá được sau khi phẫu thuật, lấy gân để đo trực tiếp. Chính vì vậy, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng có đến 20% các trường hợp gân có kích thước nhỏ, không phù hợp cho phẫu thuật tái tạo Dây chằng Chéo trước (DCCT), đặc biệt với phẫu thuật tái tạo 2 bó DCCT theo giải phẫu thì chỉ dưới 30% số mảnh ghép đạt được yêu cầu.


Phẫu thuật nội soi khớp tại Bệnh viện 19-8

Để giải quyết vấn đề này, Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 19-8 đã ứng dụng kỹ thuật chụp CLVT, dựng hình gân cơ thon và bán gân nhằm xác định chính xác kích thước 2 gân này trước mổ cho phép lập kế hoạch trước phẫu thuật, dự tính được phương pháp mổ, lựa chọn loại mảnh ghép, phương tiện kỹ thuật phù hợp, dự trù được kinh phí điều trị.


Hình ảnh thực tế lấy gân, đo trực tiếp


Hình ảnh dựng 3D trên CLVT giúp đánh giá trước mổ

“Trước đây, việc dự đoán kích thước gân cơ thon và bán gân dựa trên kinh nhiệm của phẫu thuật viên, thường không chính xác. Cùng với xu hướng y tế ngày càng phát triển, điều trị trên từng bệnh nhân cụ thể thì phương pháp đánh giá trước kích thước gân cơ thon và bán gân bằng chụp CLVT dựng hình 3D là một bước thiết yếu trước phẫu thuật, cung cấp thông tin cho bác sĩ quyết định lấy một hay cả 2 gân, lựa chọn phương pháp mổ (đặc biệt khi chọn kỹ thuật mổ 2 bó với mục đích muốn phục hồi tối đa giải phẫu cũng như chức năng của DCCT nguyên bản) nhằm tối ưu hóa kết quả phẫu thuật, đảm bảo kết quả cao nhất bệnh nhân là các vận động viên, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang” – Tiến sĩ Vũ Hải Nam, trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết.

Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và kỹ thuật đã đạt được giải nhì tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ Ngành Y tế Hà Nội năm 2019.

_Khoa Ngoại chấn thương_