Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Thêm 120 y, bác sĩ CAND lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang

Sáng 24/6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ xuất quân đợt 2 chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang.

Trong đợt ra quân lần này, y tế CAND sẽ chi viện 120 y, bác sĩ lên tiếp nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang, trong đó có 80 y, bác sĩ của Bệnh viện 19-8 và 40 y, bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.

Các y, bác sĩ CAND tình nguyện trước giờ xuất phát lên đường chi viện cho Bắc Giang

Dù hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang đã bớt phần căng thẳng so với 1 tháng trước đây, tuy nhiên số bệnh nhân mắc COVID-19 đang cần điều trị vẫn nhiều. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vừa có công văn đề nghị Bộ Công an, lực lượng y tế CAND tiếp tục hỗ trợ y tế tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch, tham gia vận hành Bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh Bắc Giang.

Tại lễ xuất quân, thay mặt lãnh đạo 2 bệnh viện, Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an và Đại tá Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 đã gửi lời chúc sức khỏe tới toàn thể các y, bác sĩ, nhân viên y tế của 2 Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền, biểu dương ghi nhận tinh thần xung phong tình nguyện của của các y, bác sĩ 2 bệnh viện đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng lao vào tâm dịch để cùng với chính quyền và nhân dân Bắc Giang chống dịch COVID-19.

Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an tặng hoa, căn dặn các y bác sĩ tham gia đoàn tình nguyện chống dịch tại Bắc Giang

Dù đã là đợt 2 chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang, nhưng tinh thần nhiệt huyết của các y, bác sĩ CAND vẫn không hề giảm. Đại úy Phạm Ngọc Thạch, cán bộ Khoa Điều trị cao cấp, Bệnh viện Y học cổ truyền chia sẻ, đợt đầu tuy không trực tiếp tham gia đoàn chi viện vào tâm dịch Bắc Giang, nhưng hằng ngày anh và các y, bác sĩ ở hậu phương vừa nỗ lực đảm đương nhiệm vụ ở Bệnh viện, vừa thường xuyên theo dõi sát sao thông tin đồng đội từ tâm dịch. Lần này, không chỉ trực tiếp xung phong tham gia đoàn Y tế CAND tình nguyện, anh còn được giao trọng trách Trưởng đoàn cán bộ Y tế Bệnh viện Y học cổ truyền lên chi viện Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang. Anh Thạch chia sẻ, xác định đã vào tâm dịch thì vất vả, gian khổ là đương nhiên, nhưng anh và đồng đội quyết không nhụt chí, sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng uý Lê Thị Hoà, cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, một trong hai tác giả của sáng chế “áo chống sốc nhiệt” dành cho nhân viên y tế cũng xung phong tình nguyện tham gia đoàn công tác. Lê Thị Hòa chia sẻ, hằng ngày nghe thông tin của đồng đội từ Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang gửi về, càng thấu hiểu sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ nơi tâm dịch. Hòa cũng muốn đóng góp sức mình để cùng với đồng đội giúp nhân dân Bắc Giang sớm ngặn chặn, đầy lùi dịch bệnh.

Để yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, Hòa đã bàn với chồng gửi 2 con nhỏ về quê nội, vừa tranh thủ để các con nghỉ hè, vừa nhờ ông bà nội chăm sóc. Lê Thị Hòa chi biết, chồng chị cũng là chiến sĩ Công an, đang công tác tại Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Còn Đại úy Bùi Thị Tuyên, cán bộ Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 chia sẻ, với tinh thần cả nước hướng về Bắc Giang chống dịch, chị và các đồng đội mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào trận chiến này.

Trong một cảm xúc vô cùng khó tả tại giây phút này, chị Bùi Thị Tuyên cũng nhắn gửi tới chồng - người đã luôn động viên và thấu hiểu trong nghề nghiệp của vợ rằng: “Em xin được tạm gác lại vai trò của người vợ, người mẹ, người phụ nữ trong gia đình để lên đường làm nhiệm vụ. Xin cảm ơn anh, cảm ơn gia đình đã cho em được cháy hết mình cùng với nhiệt huyết trong mầu áo trắng và áo xanh của người cán bộ Y tế CAND, giúp nhân dân Bắc Giang sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.

_Công an nhân dân Online_