Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

CÁC BỆNH VỀ DA SAU MƯA LŨ VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Sau khi mưa bão, lũ lụt sẽ phát sinh nhiều yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh trong đó có các bệnh về da.

Nguồn Báo Người lao động

Nguyên nhân do thời tiết ẩm ướt, môi trường sống thường xuyên bị ngập úng tạo điều kiện cho các loài ký sinh trùng, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và hoạt động mạnh. Khi bị xâm nhập làn da rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm dẫn tới các bệnh da liễu, một số chất gây ô nhiễm tiềm ẩn trong nước lũ bao gồm nước thải, dầu, xăng và các hóa chất gia dụng như sơn (đôi khi có chì) và thuốc diệt côn trùng…

Một số bệnh thường gặp sau mưa lũ là: Nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm là bệnh da thường gặp nhất sau đợt lũ. Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương liên quan đến việc người dân bị ngâm nước quá lâu, mặc quần áo ẩm ướt, nguy cơ cao hơn ở những người mắc bệnh mãn tính như: tiểu đường, suy tĩnh mạch mãn tính, các bệnh tự miễn và suy giảm miễn dịch. Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, đau, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng vảy vàng hoặc nâu, viêm xung quanh. Điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch, lao động dọn dẹp sau lũ dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

Bệnh nấm da:

- Nấm kẽ (còn gọi là nước ăn chân): Nguồn nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển, hay gặp ở những người có công việc phải dầm nước, kẽ ngón chân thường xuyên ẩm ướt.

Nguồn Trung tâm kiểm soát bệnh tật

- Nấm bẹn: Là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, bệnh nhân xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần, bờ viền rõ. Bệnh thường xảy ra khi vùng bẹn bị ẩm liên quan đến mùa mưa quần áo dễ ẩm ướt, hoặc mồ hôi khiến vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển.

Bệnh ghẻ: Bệnh da gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục… và ngứa rất nhiều về đêm. Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh.

Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày, thời tiết ẩm ướt trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho ghẻ sinh sôi phát triển.

Viêm da tiếp xúc: Nước lũ thường chứa các hóa chất, chất thải của các khu công nghiệp, chất tẩy rửa, ô nhiễm từ nhiều nguồn…

Viêm da tiếp xúc thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm biểu hiện là các dát đỏ, sưng nề, gây ngứa và khó chịu nhiều cho người bệnh.

Chấn thương da và mô mềm: Khi nước lũ dâng cao người dân và lực lượng cứu hộ phải lội nước, khó kiểm soát đường đi dễ bị tổn thương da do các vật sắc nhọn….Vì vậy các chấn thương ngoài da và mô mềm rất hay gặp, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ là đường vào của các vi khuẩn, ký sinh trùng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết có nguy cơ tử vong.

Ảnh minh họa

"Ngoài ra, căng thẳng tâm lý rất thường gặp sau các đợt lũ lụt có thể dẫn đến, làm trầm trọng thêm và khởi phát các đợt bùng phát của các bệnh da đã có từ trước như: viêm da dị ứng, rụng tóc từng mảng và bệnh vẩy nến",

Cách phòng tránh:

Giữ cơ thể khô ráo, mặc quần áo sạch sẽ, thoáng mát, không mặc quần áo ẩm ướt.

Hạn chế cào gãi, cắt ngắn móng tay,

Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch.

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày.

Mang các dụng cụ bảo hộ nếu phải đi vào vùng nước ngập.

Tránh tiếp xúc với nước, nếu có vết thương hở.

Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch.

Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị sớm các vết thương, nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám chuyên khoa da liễu hoặc cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh.

_Khoa Da liễu - Miễn dịch và dị ứng_