Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

HIỂU BIẾT VỀ DỰ PHÒNG BỆNH LAO

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao (Mycobacterium tubercurosis) gây nên, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm 80- 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp do người lành hít phải các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao của người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển, ho khạc, hắt hơi ra ngoài không khí. Những yếu tố liên quan đến sự lây truyền bệnh lao phụ thuộc số lượng vi khuẩn lao do người bệnh khạc ra và sự thông khí tại khu vực phơi nhiễm; thời gian tiếp xúc của người lành với các hạt khí dung bị nhiễm vi khuẩn lao; mức độ vi khuẩn càng nhiều, thời gian tiếp xúc thường xuyên tiên tục tỷ lệ lây nhiễm càng cao.

1. Cơ chế lây truyền bệnh lao

Nguồn lây

Nguồn lây chính của bệnh lao chính là đờm, chất khạc của người lao phổi có trực khuẩn lao BK (+) nhất là BK đó lại thuộc loại trực khuẩn lao kháng thuốc. Phân, nước tiểu, dịch màng phổi .v.v. của bệnh nhân lao cũng có thể là nguồn lây nếu các bệnh phẩm này có chứa BK

Khả năng lây truyền của trực khuẩn lao phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Số lượng trực khuẩn lao: số lượng trực khuẩn lao càng nhiều khả năng lây lan càng lớn. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân lao phổi ho khạc ra BK (+) thực sự là yếu tố nguy cơ hơn những người lao phổi mà BK (-) .

- Độc tính của các chủng trực khuẩn lao: các chủng trực khuẩn lao khác nhau có biểu hiện tính độc khác nhau. Độc tính của BK liên quan đến tính đột biến kháng thuốc và khả năng lây truyền của trực khuẩn .

Đường lây truyền

- Đường hô hấp: đây là đường lây chủ yếu của bệnh. Người bệnh mắc lao phổi có trực khuẩn lao trong đờm. Khi họ ho, khạc có khoảng 3.500 hạt nước bọt chứa trực khuẩn lao bắn vào không khí, các hạt này lơ lửng trong không khí khoảng 2 giờ. Nếu người bệnh hắt hơi số hạt đó lên tới 1.000.000 hạt (gấp 300 lần khi ho). Còn nếu người bệnh thở bình thường, số trực khuẩn lao bắn ra không đáng kể. Những người sống chung, hoặc sống gần người lao phổi thì khả năng hít phải BK trong không khí sẽ nhiều hơn những người khác, vì thế khả năng bị lây lao cao hơn. Do vậy người lao phổi BK (+) cần đeo khẩu trang thường xuyên, tránh ho, khạc trực tiếp đối mặt với mọi người. Người mẹ hoặc bà bị lao khi phải tiếp xúc với trẻ (chăm sóc, cho bú v.v...) phải đeo khẩu trang che mũi miệng. Người lao phổi BK (+) nếu được điều trị đầy đủ bằng thuốc chống lao thì khả năng làm phát tán vi khuẩn lao sẽ giảm sau điều trị 2-3 tuần.

- Đường tiêu hóa: bệnh lao cũng có thể lây theo đường ăn uống như khi uống sữa bò tươi của các con bò bị lao mà sữa chưa tiệt khuẩn, hoặc khi ăn các thức ăn bị lây nhiễm trực khuẩn lao.

- Đường da, niêm mạc: đường lây truyền này gặp ít hơn, một số có thể bị lao khi trực khuẩn lao qua các vùng cơ thể bị tổn thương (da, mắt, mũi v.v...)

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đề kháng bệnh lao của cơ thể

- Yếu tố cơ địa:

+ Tính nhạy cảm di truyền: người có yếu tố HLA - A11, B15 và DR2 có nguy cơ mắc lao tăng từ 1,5 đến 3,5 lần .

+ Giới tính : có sự khác nhau giữa nam và nữ về tỷ lệ mới mắc bệnh lao: nữ giới ở độ tuổi từ 20-24 tuổi mắc nhiều hơn nam, đặc biệt ở tuổi từ 10-14 tuổi có thể do yếu tố nội tiết đóng vai trò trong nguy cơ nhiễm lao và phát triển thành bệnh lao. Trên tổng thể nam giới mắc lao nhiều hơn nữ giới, mức độ có khác nhau giữa các quốc gia, giữa các khu vực .

+Thể trạng : tình trạng suy dinh dưỡng, ăn kiêng, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc lao .

+Thời kì thai nghén : sự thay đổi đáp ứng miễn dịch trong thời gian có thai làm tăng nguy cơ mắc lao .

+ Nhóm máu: những người có nhóm máu AB hoặc B mắc bệnh lao nhiều hơn rõ rệt so với những người có nhóm máu O hoặc A .

- Các yếu tố thói quen:

+ Hút thuốc lá: khói thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao. Nguy cơ mắc bệnh tỷ lệ thuận với mức độ hút thuốc .

+ Nghiện rượu: nghiện rượu làm tăng khả năng mắc lao do rượu làm suy giảm hệ thống miễn dịch bảo vệ của cơ thể .

+ Tiêm chích ma túy : những người tiêm chích có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn những người không tiêm chích .

- Các bệnh phối hợp :

+ Bệnh bụi phổi (Silicosis) : những người mắc bệnh bụi phổi mắc lao nhiều hơn người bình thường: những người thợ mỏ có phối hợp với bụi phổi mắc lao cao hơn 26 lần những người thợ mỏ bình thường. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tỷ lệ với thể bệnh nặng của silicosis .

+ Bệnh tiểu đường: bệnh tiểu đường là yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh lao: tỷ lệ mới mắc lao ở nhóm người mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với người bình thường (8,4% so với 4,3%) .

+ Các bệnh ác tính: những người bị bệnh hạch ác tính, ung thư phổi thường dễ mắc phối hợp bệnh lao: tỷ lệ mắc lao phối hợp là 7/1000 người, cao hơn so với nhóm chứng (0,45/1000 dân) .

+ Suy thận: những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và có dấu hiệu tan máu thường có nguy cơ mắc lao rất cao: tỷ lệ mắc lao mới cao hơn những người bình thường từ 10 đến 15 lần .

+ Cắt dạ dày: ở những người cắt dạ dày tỉ lệ mắc lao cao hơn tới 5 lần so với người bình thường .

+ Điều trị corticosteroid: dùng glucocorticoids với liều cao, kéo dài có nguy cơ mắc lao cao .

+ Nhiễm HIV/AIDS : đại dịch HIV làm gia tăng bệnh lao: do HIV thúc đẩy nhanh quá trình từ nhiễm lao sang bệnh lao, tỷ lệ bệnh nhân lao tử vong cao hơn, tăng tỷ lệ kháng thuốc và gia tăng lây lan bệnh lao ra cộng đồng .

- Các yếu tố khác: yếu tố chủng tộc, sự nghèo đói, làm việc cực nhọc, căng thẳng .v.v .

Quá trình chuyển từ nhiễm lao thành bệnh lao

Quá trình phát triển tự nhiên của bệnh lao từ khi người khỏe mạnh tiếp xúc với nguồn lây như sau:

+ Khi tiếp xúc với nguồn lây có khoảng 20%-50% đối tượng tiếp xúc nhiễm lao.

+ Trong các đối tượng nhiễm lao thì chỉ có khoảng 10% mắc bệnh lao, trong đó khoảng 5% mắc bệnh trong 1 năm đầu và 5% mắc lao trong những năm tiếp theo.

Sự phát triển của lao nhiễm trở thành bệnh lao phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố nguy cơ của cơ thể cảm thụ: mức độ nguy cơ cao, trung bình hay thấp.

2. Các cách để giảm nguy cơ mắc bệnh lao.

Để dự phòng bệnh lao cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao và giảm nguy cơ từ nhiễm lao sang bệnh lao. Trong đó việc phát hiện sớm và điều trị khỏi cho người bệnh lao là biện pháp tốt nhất nhằm cắt giảm nguồn lây lao trong cộng đồng. Khuyến cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia về dự phòng bệnh lao gồm biện pháp sau:

Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao

Để giảm nguy cơ nhiễm lao cần kiểm soát vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế và gia đình người bệnh.

Tại cơ sở y tế: Giảm mật độ các hạt nhiễm khuẩn trong không khí: bằng thông gió tốt, cửa đi và cửa sổ của buồng khám, khu chờ và buồng bệnh cần được mở cho thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt điện đúng chiều để làm loãng các hạt nhiễm khuẩn và đẩy vi khuẩn ra ngoài, dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn lao sẽ dễ bị tiêu diệt; bố trí vị trí làm việc hợp lý theo chiều thông gió, không để không khí đi từ người bệnh đến cán bộ y tế; thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường như dùng khẩu trang khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho; khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định; lấy đờm xét nghiệm đúng nơi quy định, tốt nhất là ngoài trời, môi trường thông thoáng.

Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân để giảm nguy cơ lây nhiễm lao.

Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế: Khẩu trang thông thường ít có tác dụng bảo vệ nhiễm vi khuẩn lao, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao cần dùng khẩu trang đạt chuẩn như loại N95 hoặc tương đương trở lên.

Giảm tiếp xúc nguồn lây: Nên có nơi chăm sóc điều trị riêng cho người bệnh lao phổi AFB(+), đặc biệt với lao phổi đa kháng thuốc; trong các cơ sở đặc biệt (trại giam, trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội...) có thể có nhiều người nhiễm HIV khả năng lây nhiễm rất cao, cần cách ly. Để bảo vệ cho người nhiễm HIV đến khám, cần xác định những người nghi lao để hướng dẫn họ dùng khẩu trang, giấy che miệng, chuyển đến khu chờ riêng hoặc phòng cách ly (nếu có) và ưu tiên khám trước để giảm thời gian tiếp xúc.

Dự phòng lây nhiễm tại hộ gia đình: Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị. Để tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh, người bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi ho, hắt hơi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên; đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: thông khí tự nhiên cửa ra vào, cửa sổ...) có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn màn.

Vệ sinh môi trường

Mục tiêu của vệ sinh môi trường là giảm nguy cơ truyền bệnh từ những bệnh nhân là nguồn lây mà chưa được phát hiện .

Các biện pháp đơn giản vệ sinh môi trường bao gồm: giáo dục cho bệnh nhân khạc đờm đúng quy định; tránh ở chật hẹp; nơi ở, sinh hoạt phải thông thoáng; thường xuyên phải vệ sinh môi trường sống và môi trường xung quanh sạch sẽ .v.v .

Các biện pháp tác động đến sức đề kháng của cơ thể

- Tuổi và giới: sức đề kháng của cơ thể phụ thuộc vào tuổi và giới. Trước tuổi dậy thì hay bị lao sơ nhiễm, nhưng ở tuổi 10-14 cũng có thể mắc các thể lao như người lớn. Phụ nữ ít mắc lao hơn hơn nam giới. Do vậy cần chú ý dự phòng lao cho các lứa tuổi có nguy cơ mắc cao.

- Chế độ dinh dưỡng: đói hoặc suy dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh lao, do vậy vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng trong việc dự phòng lao.

- Tránh, hạn chế các yếu tố độc hại cho cơ thể: hút thuốc và uống rượu nhiều là những yếu tố quan trọng làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Các thuốc corticosteroid, ức chế miễn dịch cũng ảnh hưởng tương tự.

- Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân:

+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn lây .

+ Giảm tiếp xúc với nguồn lây: cách ly nguồn lây; nhân viên y tế tuân thủ nghiêm các quy trình khám, xét nghiệm, làm thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao .

- Tiêm phòng vắc xin BCG (Bacille Calmette-Guérin):

BCG là một vắc xin chứa các trực khuẩn sống, mất độc lực. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới ở những nước có độ lưu hành lao cao cần tiêm phòng BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi và tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất hiện nay. Vắc xin BCG chỉ có tác dụng rất hạn chế để phòng bệnh lao ở người lớn nhưng nó có thể giúp cho trẻ em tránh khỏi bị bệnh lao và những thể lao nặng như lao kê, lao màng não. Liều thông thường cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi là 0,05ml, cho trẻ trên 1 tuổi là 0,1ml. Tiêm phòng BCG cũng được tiến hành ở những người có test tuberculin âm tính, hoặc ở những người phơi nhiễm với bệnh lao đa kháng thuốc hoặc làm việc ở labo vi sinh, giải phẫu bệnh .

Hiệu lực bảo vệ của vacxin BCG: các nghiên cứu cho thấy BCG có hiệu lực bảo vệ tới 80% và kéo dài 15 năm nếu được tiêm trước khi bị nhiễm lao. Khả năng bảo vệ của BCG giảm dần, nên một số nước chủ trương tiêm nhắc lại vào 15 tuổi, tuy nhiên khó có thể tiêm cho mọi trẻ ở lứa tuổi này và giá trị bảo vệ của BCG ở lứa tuổi này chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng.

- Điều trị dự phòng lao: điều trị dự phòng lao còn gọi là điều trị nhiễm trùng lao tiềm ẩn (Treatment of latent tuberculosis infection). Mục đích của điều trị dự phòng lao nhằm giảm tỉ lệ chuyển từ lao nhiễm sang lao bệnh.

Nguồn: Chương trình chống lao Quốc gia

Hãy hành động để phòng bệnh lao cho bạn và gia đình bạn!

Để được tư vấn và chẩn đoán, điều trị và tư vấn dự phòng bệnh lao ngay hôm nay. Hãy liên hệ Khoa A4 – Bệnh viện 198 Bộ Công An

Số 9, Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

_ThS. BSCK II Vũ Thị Dịu - Khoa A4, Bệnh viện 19-8_