Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện 19-8 điều trị thành công trường hợp nhiều sỏi ống mật chủ tái phát bằng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng – ERPC

Sỏi mật đứng hàng thứ hai trong các bệnh gan mật, 90% các trường hợp viêm đường mật là do sỏi gây nên. Ở Việt Nam, sỏi đường mật lớn chiếm khoảng 50%, trong đó sỏi ống mật chủ là 12,1%.

Hiện nay, sỏi đường mật lớn chủ yếu điều trị bằng nội khoa thông qua kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) bằng cách lấy sỏi bằng nội soi qua đường miệng qua một rọ hoặc bóng chuyên dụng. Với thời gian trung bình mỗi ca lấy sỏi khoảng 30 phút, tỷ lệ tử vong thấp (0,5 – 1,3%), hiệu quả cao với tỷ lệ lấy được sỏi 93 – 94% trường hợp, kỹ thuật này giúp bệnh nhân tránh được một cuộc phẫu thuật ổ bụng lấy sỏi như trước đây.

Tại Bệnh viện 19-8, kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý mật, tụy đã được thực hiện gần 20 năm nay. Trong đó, chúng tôi đã tiến hành nhiều ca lâm sàng phức tạp, đặc biệt những trường hợp sỏi tái phát nhiều lần, bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu, có chống chỉ định phẫu thuật lấy sỏi. Điển hình, gần đây nhất trong tháng 9/2019, chúng tôi gặp một trường hợp bệnh nhân nữ 73 tuổi, tiền sử mổ lấy sỏi ống mật chủ và cắt túi mật năm 2018, lần này vào viện vì đau hạ sườn phải và nhiễm trùng đường mật cấp tính. Trên hình ảnh chụp MRI dựng hình đường mật quan sát thấy đường mật trong gan giãn, ống mật chủ giãn 18mm, trong có nhiều sỏi kích thước 8-15mm. Chúng tôi đã tiến hành lấy sỏi cấp cứu qua ERCP, kết quả đã lấy được 6 viên sỏi ống mật chủ và sỏi nhánh gan trái, bệnh nhân sau đó được đặt 1 stent dẫn lưu đường mật. Sau khi được lấy sỏi, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, mật lưu thông tốt, các xét nghiệm cận lâm sàng cải thiện về bình thường. Bệnh nhân đã được xuất viện ngày 8/10/2019 sau 1 tuần điều trị. Dưới đây là một số hình ảnh lấy sỏi qua ERCP của bệnh nhân trên:


Kíp kỹ thuật do Th.s Nguyễn Việt Dũng thực hiện lấy sỏi qua ERCP


Sỏi nhánh gan trái và giãn đường mật trong gan (mũi tên)


Nhiều sỏi ống mật chủ và sỏi ống gan trái đã được lấy ra tá tràng (mũi tên trắng)


Nhiều sỏi ống mật chủ và sỏi ống gan trái đã được lấy ra tá tràng (mũi tên trắng)

Ngoài ứng dụng trong can thiệp lấy sỏi đường mật qua nội soi, kỹ thuật ERCP còn được áp dụng rộng rãi trong can thiệp lấy sỏi trong ống tụy, dẫn lưu mật mũi, đặt stent do chít hẹp lành tính hoặc ung thư đường mật… Bên cạnh kỹ thuật ERCP, hiện nay chúng tôi đã làm chủ kỹ thuật hiện đại như nội soi siêu âm, giúp tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường mật, tụy, đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bệnh nhân.

_ThS, BS Đoàn Thị Phương Thảo, ThS,BS Phạm Văn Đức - Khoa Nội tiêu hóa_