Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Điều trị thành công ho máu kéo dài ở cụ bà bằng phương pháp nút động mạch phế quản dưới hướng dẫn DSA

Bệnh nhân Phạm Ng D 73 tuổi có tiền sử lao phổi cũ, ho máu nhiều đợt kéo dài, hay tái phát. Bệnh nhân được điều trị ở khoa Lao và bênh phổi bằng phương pháp nội khoa: Thuốc cầm máu, kháng sinh, chống viêm, bệnh có thuyên giảm nhưng không hết ho máu. Sau hai tuần ra viện, tình trạng ho máu lại diễn ra buộc bệnh nhân phải nhập viện điều trị tiếp.

Qua thăm khám lâm sàng và các các đánh giá dựa vào kết quả cận lâm sàng đã có, các bác sỹ hô hấp chỉ định cho bênh nhân chụp MSCT động mạch phổi. Kết quả bệnh nhân có giãn động mạch phế quản phải nhánh nuôi thuỳ giữa/ Đông đặc, giãn phế quản thuỳ giữa phổi phải, có chỉ đinh can thiệp nút động mạch phế quản tổn thương.

Hình ảnh giãn động mạch phế quản phải.

Hình ảnh đông đặc kèm giãn phế quản thùy giữa phổi phải

Ho ra máu là tình trạng cấp cứu nguy hiểm nếu không được thăm khám điều trị sớm, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu.

Việc điều trị ho ra máu cơ bản là điều trị nội khoa. Nếu ho ra máu nặng và kéo dài thì phải nội soi phế quản cầm máu, cắt thùy phổi, phẫu thuật để kẹp cầm máu, thắt động mạch... Tuy nhiên các phương pháp này tồn tại hạn chế như: Nội soi phế quản khó thấy được vị trí đang chảy máu và nguồn chảy máu từ tiểu thùy, thuốc cầm máu tại chỗ đôi khi không hiệu quả trong trường hợp chảy máu nhiều. Phương pháp phẫu thuật xâm lấn nhiều, khó áp dụng với trường hợp chảy máu từ hai bên phổi, bệnh nhân trải qua đại phẫu cắt thùy phổi nặng nề, tiềm ẩn tai biến chảy máu và thời gian hồi phục dài ngày. Vì vậy, phương pháp can thiệp nút mạch phế quản dưới hướng dẫn DSA là lựa chọn tối ưu, đây là một kỹ thuật chuyên sâu, xâm lấn tối thiểu, có thể hạn chế các biến chứng, điều trị ho ra máu hiệu quả, mang lại sự an toàn cho người bệnh, khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả có thể thấy ngay sau khi vừa can thiệp xong.

Bà P. Ng. D cho biết ho máu tái diễn nhiều đợt gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cả về sức khoẻ cũng như tâm lý dẫn đến ngại tiếp xúc với người khác. Nhưng do tuổi đã cao nên rất lo lắng về thủ thuật, lo sợ những biến chứng có thể xảy ra và sợ những can thiệp đến cơ thể.

Tuy nhiên, sau khi được nghe Ths. BSCKII. Lê Hồng Kỳ - Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân, trưởng kíp can thiệp, người trưc tiếp tiến hành can thiệp giải thích về kỹ thuật, giải thích về bệnh trạng, bệnh nhân hoàn toàn yên tâm và chấp nhận phương án điều trị can thiệp tắc động mạch phế quản giãn.

Sau can thiệp bênh nhân tiếp tục được theo dõi, chăm sóc và điều trị nội khoa tại khoa Lao, bệnh phổi trong vài ngày. Bệnh nhân ra viện ổn định, hết hoàn toàn ho máu và không có bất kỳ tai biến nào.

Hình ảnh Ekip can thiệp trong phòng can thiệp mạch.

Ngày nay với những tiến bộ về mặt y học, nhiều kỹ thuật chuyên sâu, ít xâm lấn được triển khai cho phép người gìa được chăm sóc y tế, điều trị những căn bệnh khó một cách đễ dàng hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Can thiệp mạch là kỹ thuật ít xâm lấn, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ ở vùng bẹn. Tiếp theo, bác sỹ can thiệp sẽ luồn một ống thông (microcatheter) vào động mạch đùi, luồn lên động mạch chủ rồi đến động mạch phế quản. Các thao tác này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số hoá xoá nền (DSA - digital subtraction angiography).

Một số hình ảnh chụp trên hệ thống DSA

Thuốc cản quang được bơm vào để chụp hình động mạch phế quản, giúp các bác sĩ xác định được nhánh động mạch phế quản bị thương tổn gây ra tình trạng ho ra máu.

Sau đó, một ống thông có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục được luồn một cách chọn lọc vào trong lòng động mạch phế quản bị tổn thương. Động mạch này sẽ được bơm tắc bằng các hạt nhựa polyvinyl alcohol (PVA) hoặc bằng keo sinh học Histoacryl.

Sau khi thực hiện thủ thuật, các ống thông được rút bỏ ngay, bệnh nhân được băng ép vùng đùi trong vòng 8 giờ để tránh chảy máu. Bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi và có thể vận động bình thường trở lại sau khi tháo băng.

Theo ThS. BSCKII. Lê Hồng Kỳ ở bệnh nhân này thủ thuật được tiến hành thuận lợi, tiếp cận và nút thành công các nhánh mạch tổn thương, kiểm soát được tình trạng ho ra máu cho người bệnh. Bác sỹ Kỳ cho biết thêm: “ Ho ra máu là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm do nhiều nguyên nhân. Trong các trường hợp ho ra máu từ phổi, có hơn 90% là do thương tổn ở các nhánh của động mạch phế quản mà có thể đánh giá để tiến hành điều trị bằng can thiệp nút mạch. Do vây khi bị ho máu, bệnh nhân nên đến các cơ sở để được kiểm tra, đánh giá và lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp. Không nên tự ý điều trị tại nhà.”

Khoa chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân, Bệnh viện 19-8 được bệnh viện trang bị hệ thống máy móc hiện đai như hệ thống chụp mạch số hoá xoá nền DSA, máy chụp cắt lớp vi tính 256 lát, máy MRI 3.0 T … cùng với đội ngũ y, bác sỹ được đào tạo bài bản, chuyên sâu, là địa chỉ tin cậy để cán bộ chiến sỹ và nhân dân lựa chọn, bao gồm tư vấn điều trị can thiệp nút mạch ở những nhóm bệnh có thể tiến hành can thiệp mạch.

Hiện nay khoa chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân, bệnh viện 19-8 đã tiến hành thường quy và làm chủ được nhiều kỹ thuật can thiệp nút mạch như:

Can thiệp cầm máu mạch tạng cấp cứu trong các chấn thương bụng kín vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận…

Điều trị nút mạch can thiệp khối ung thư gan (phương pháp TACE), nút mạch điều trị u xơ tử cung và u phì đại lành tính tiền liệt tuyến…

Điều trị ho ra máu nặng do giãn động mạch phế quản.

Can thiệp cầm máu cấp cứu trong các trường hợp ung thư cổ tử cung tái phát có chảy máu, vỡ khối ung thư gan, xuất huyết tiêu hóa không cầm máu được dưới hướng dẫn của nội soi…

_BSCK I Phạm Thị Quỳnh Anh - Khoa CĐHA&YHHN_